MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1 trong 2 thuyền máy của đội Bình Định - Việt Nam tại Grand Prix Indonesia. Ảnh: Grand Prix of Binh Dinh

Thông số đáng chú ý về thuyền máy Công thức 1

TAM NGUYÊN LDO | 08/03/2024 11:38

Chiếc thuyền máy Công thức 1 sử dụng động cơ 425 mã lực và có thể đạt tốc độ tối đa 250km/h…

Cuối tháng 3 này, người hâm mộ Việt Nam sẽ được tận mắt nhìn thấy chiếc thuyền máy tốc độ tại Giải vô địch thế giới thuyền máy Công thức 1 (Formula 1 Powerboat World Championship), hay còn gọi là F1H2O, tổ chức ở Bình Định.

Bộ môn này được ví như Đua xe F1 trên mặt đất bởi tốc độ cao mà những chiếc thuyền máy Công thức 1 có thể đạt được. Thiết kế của thuyền máy F1 có gì đặc biệt?

F1H2O sử dụng tàu 2 thân có khả năng đạt tốc độ cao và khả năng cơ động đặc biệt. Về tổng thể, những chiếc thuyền nặng 860 pound (390 kg), trong đó, riêng động cơ đã nặng 260 pound (118 kg).

Thuyền dài 20 feet (6 mét) và rộng 7 feet (2 mét), giữ trọng lượng thấp nhờ sử dụng sợi carbon và kevlar. Thiết kế thân tàu dạng đường hầm tạo ra một lớp đệm không khí bên dưới thân tàu, để khi lên tốc chỉ chạm mặt nước vài inch, giúp đạt được tốc độ cao nhất có thể.

Thuyền máy F1 được trang bị động cơ Mercury Marine V6 hai thì đốt cháy 100LL Avgas với tốc độ 120 lít mỗi giờ, tạo ra công suất 425 mã lực tại 10.500 vòng/phút.

Động cơ này có thể đẩy thuyền đạt tốc độ 100 km/h trong vòng chưa đầy 4 giây và đạt tốc độ tối đa trên 240-250 km/h.

Thuyền máy F1 không có phanh hoặc hộp số.

Động cơ của thuyền máy Công thức 1 đạt đến 425 mã lực. Ảnh: Grand Prix of Binh Dinh

Mặc dù thuyền máy F1 không có nhiều thay đổi về hình dáng kể từ khi bắt đầu, nhưng kết cấu và độ an toàn đã được cải thiện đáng kể so với những chiếc thuyền gỗ dán buồng lái hở ban đầu.

Bước cải tiến lớn đầu tiên là buồng lái bằng vật liệu composite cứng được thiết kế để tách ra khỏi phần còn lại của thuyền khi va chạm. Điều đó cũng mở đầu cho việc sử dụng dây đai an toàn để cố định người lái vào chỗ ngồi.

Được phát triển lần đầu tiên bởi nhà thiết kế, và cũng là một tay đua, Chris Hodges, hệ thống này chỉ được sử dụng một thời gian do sự phản đối của các tay đua. Nhưng sau khi nó cứu được một số tay đua trong các vụ va chạm lớn, UIM (Liên đoàn thuyền máy quốc tế) đã bắt buộc áp dụng cho tất cả các thuyền.

Thiết kế và thông số của một chiếc thuyền máy F1. Ảnh: F1H2O

Vào đầu những năm 1990, nhà chế tạo thuyền F1, Dave Burgess, đã giới thiệu một mái che bao bọc hoàn toàn buồng lái để bảo vệ người lái khỏi toàn bộ lực của nước khi lao xuống, tương tự như hệ thống được sử dụng trong thủy phi cơ Unlimited 1 thập kỷ trước đó.

Đến cuối những năm 1990, hãng chế tạo thuyền DAC đã giới thiệu một túi khí nằm phía sau người lái để ngăn buồng lái chìm hoàn toàn nếu thuyền bị lật.

Những thay đổi cụ thể về tính năng an toàn này cũng đi kèm với sự phát triển của thân tàu bằng composite nhẹ hơn và chắc chắn hơn, làm giảm mối nguy hiểm khi đua.

Kể từ mùa giải 2007, tất cả các thuyền đều phải lắp hộp bảo vệ khi va chạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn