MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc Long là Đội trưởng của Sài Gòn - đội bóng dẫn đầu BXH V.League 2020 với 9 trận bất bại. Ảnh: SGFC

Thứ giá trị của bóng đá đàn ông

HOÀI THU LDO | 15/07/2020 11:48

“Quốc Long, Quốc Long…”. Khán đài B sân Hàng Đẫy, ngày chủ nhà thúc thủ ngay trên sân nhà với tỉ số 0-1, khán giả Hà Nội hô vang tên đội trưởng của Sài Gòn. Đằng sau những tiếng đồng thanh hô vang và hình ảnh một gã trai Bắc ngang tàng ấy là câu chuyện rất đặc trưng bóng đá, với nhiều sự thật nghiệt ngã chứ không chỉ toàn màu hồng.

Phía sau tràng pháo tay và lời cảm ơn

Năm 2009 đánh dấu một cột mốc buồn với bóng đá Việt Nam: Cái tên Thể Công giàu truyền thống bậc nhất giải thể và đội bóng được chuyển giao cùng suất đá V.League cho Thanh Hóa. Lứa cầu thủ 1987 tài năng được đầu tư, đi tập huấn dài hạn ở Đức và Bulgaria, tứ tán hết. Nhiều cầu thủ chấp nhận chuyển giao về đội bóng mới nhưng cũng không ít dám lắc đầu, yêu cầu được tự quyết tương lai, trong đó có Quốc Long dám đấu tranh đến cùng.

Long cùng người bạn thân Ngọc Duy về đầu quân cho Hà Nội T&T. Và họ cùng với Trịnh Quang Vinh hiện đang khoác áo Phố Hiến là những người hiếm hoi vẫn theo được nghề. Hơn 20 cầu thủ ở độ tuổi bắt đầu phát triển sự nghiệp, sau hơn 10 năm đào tạo, nuôi dưỡng với biết bao công sức tiền của, cứ lần lượt nghỉ bóng đá và không ít người lầm vào bi kịch cuộc sống. So với các đồng đội, Quốc Long tự nhận mình may mắn, khi cùng với Hà Nội T&T có chức vô địch V.League 2010 và 2013, được chơi bóng ở đội mạnh, lương thưởng tốt và có những bản hợp đồng tiền tỉ.

Giai đoạn đó, có một nghịch lý: Có thành tích và lối chơi đẹp mắt, nhiều ngôi sao… nhưng những khán đài vẫn trống huếch với những đau đáu. Ít người biết, khi một số cổ động viên trẻ mong muốn đứng lên lập đội cổ vũ đội bóng, chính cầu thủ mà không ít khán giả vẫn ác cảm vì thái độ có phần lấc cấc như Quốc Long là người đứng lên gõ cửa từng phòng đồng đội đề nghị góp kinh phí ủng hộ. Và tấm lòng của những cầu thủ như Quốc Long ngày đó góp phần khởi đầu cho những khán đài đông kín một màu tím sân Hàng Đẫy đầy tự hào sau này…

Bước ngoặt cuộc đời, đánh đổi và chấp nhận

Hơn 6 năm gắn bó, giống như vòng quay khó lường của trái bóng tròn, một ngày bước ngoặt xuất hiện: Ngọc Duy và Quốc Long là 2 anh lớn của những cậu nhóc mới 20, 21 tuổi chuyển vào Sài Gòn.

“Mình đấu tranh quyết liệt để ở lại nhưng rồi bị thuyết phục bởi trọng trách. Duy quyết định đi nên 2 thằng cùng lao, lại bắt đầu làm lại…”. Quyết định vào Sài Gòn bị phản đối và dẫn tới rạn nứt trong gia đình, Long đi đến quyết định ly hôn. Anh chấp nhận nó, bởi chẳng ai có thể hoàn hảo và chu toàn tất cả: “Tôi cũng không phải là mẫu người đàn ông của gia đình. Đôi khi có những thứ không được như mình mong muốn nhưng đã quyết định thì chấp nhận và đánh đổi. Cuộc sống là như vậy, không cái gì là hoàn hảo cả…”. Long kể chuyện mà không giấu nỗi buồn, khi nhắc đến câu chuyện đánh mất gia đình nhỏ.

Tuy nhiên, cuộc sống trong và ngoài sân cỏ vẫn luôn là điều tách bạch với Quốc Long. Ở tuổi 32, anh vẫn là đầu tàu gương mẫu, luôn nhiệt và làm hết sức. Đó không chỉ là ý thức nghề nghiệp mà còn để làm gương cho các đồng đội nhìn vào. Chính tấm băng đội trưởng trên tay cùng nhiệm vụ dìu dắt các em trẻ ở một đội bóng liên tục biến động đã luôn nhắc anh phải sống, phải làm sao cho xứng đáng.

“Tôi tự mình thay đổi nhiều chứ. Là người ham vui và thẳng tính nhưng được giao băng đội trưởng thì phải đá, sinh hoạt, sống làm sao cho các em thấy nể, phải làm gương. Giờ nhìn các em trưởng thành, thành tích đội bóng tốt lên thì mình cũng thấy tự hào vì góp một chút trong đó”. Với đội trưởng Quốc Long, mạch trận bất bại và ngôi đầu V.League 2020 của Sài Gòn, cũng chỉ là cách anh và đồng đội tận hưởng bóng đá, thể hiện bản thân cũng như văn hóa của một tập thể.

“Còn được chơi bóng, cứ hết mình và xứng đáng với bóng đá”

Trước ngày ra Hà Nội, do đề phòng, nên Sài Gòn họp đội, yêu cầu các cầu thủ từng xuất thân hay liên quan đến đội bóng Thủ đô đứng dậy hô quyết tâm, thế nhưng Quốc Long với tư cách đội trưởng từ chối vì “đàn ông không nói nhiều, tất cả thể hiện trên sân cỏ”. Và những gì diễn ra cùng chiến thắng 1-0 đầy giá trị ở Hàng Đẫy là “cách nói” đàn ông nhất của cầu thủ Sài Gòn về “giá trị của sự tử tế, niềm tin”. Chuyến làm khách ngoài Bắc, họ thắng tiếp Hải Phòng 2-0 rồi kéo dài mạch bất bại, vươn lên đầu bảng với việc đánh bại Thanh Hóa 3-0. 

Khác với nhiều cầu thủ vẫn hay trách móc hay luyến tiếc khi nhắc đến màu áo đội tuyển quốc gia, Quốc Long chưa từng ân hận dù 2 lần cánh cửa đóng lại, đều theo cách đàn ông nhất. Lần đầu năm 2010, khi ông Calisto “xách cổ” yêu cầu cách di chuyển và anh “bật” lại, trước sự vô lý và cơn nóng giận của ông thầy. Còn lần thứ hai, Long chủ động xin về để tránh ảnh hưởng đến tập thể, sau khi thành tiêu điểm sau một sự cố va chạm với phóng viên trên sân Thống Nhất. Làm thì phải chịu trách nhiệm, cầu thủ này chỉ trách mình là không giúp gì được HLV Phan Thanh Hùng khi nắm đội tuyển Việt Nam giai đoạn bóng đá Việt khủng hoảng nhất, ở thời điểm ông thầy nội này xung phong và cần những học trò nhiệt huyết, dám dấn thân nhất.     

Ở tuổi 32, bản thân Quốc Long cũng bất ngờ khi huấn luyện viên Vũ Tiến Thành tiến cử cho huấn luyện viên Park Hang-seo cùng với tiền vệ Cao Văn Triền, hậu vệ Huỳnh Tấn Tài và thủ môn Phạm Văn Phong. Với đội trưởng của Sài Gòn, đó đơn giản chỉ là sự ghi nhận để nỗ lực, trách nhiệm hơn. Bóng đá hay cuộc sống, cái gì cũng có giá của nó, như thành công đáng tự hào của Sài Gòn - một đội bóng “ngụ cư” 5 năm qua vẫn luôn trong tâm thế nỗ lực vươn lên, khẳng định và tìm kiếm sự ghi nhận…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn