MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải vô địch điền kinh quốc gia các nội dung tiếp sức năm 2022. Ảnh: Minh Anh

Thu nhập của các vận động viên điền kinh ra sao?

Hoài Việt LDO | 17/11/2022 07:30

Môn điền kinh được giới chuyên môn ví là môn thể thao “nữ hoàng”. Trong tất cả các cuộc đấu thuộc hệ thống thi đấu Đại hội thể thao, kể cả Đại hội thể thao toàn quốc 2022, số lượng vận động viên điền kinh luôn đông đảo nhất cũng như môn thể thao này thu hút nhiều nhất các đơn vị, địa phương, tỉnh, thành, ngành đăng ký dự tranh.

Về cơ bản, các vận động viên điền kinh cũng như những vận động viên của các môn thể thao khác đó là được hưởng chế độ lương, dinh dưỡng và thưởng cho thành tích thi đấu theo đúng quy định ở từng đơn vị của mình. Hiện tại, các đơn vị đều thực hiện theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7.11.2018 về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

Theo đó, các huấn luyện viên, vận động viên được hưởng tiền lương tính bình quân theo số ngày làm việc bình thường được xác định bằng tiền lương của tháng trước liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập huấn, thi đấu chia cho 26 ngày. Khi tập huấn là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia thì mức lương là 505.000 đồng/người/ngày (nếu là huấn luyện viên trưởng) còn huấn luyện viên của ban huấn luyện là 375.000 đồng/người/ngày. 

Khi không là huấn luyện viên thuộc đội tuyển quốc gia thì huấn luyện viên do địa phương chi trả lương là 215.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó, vận động viên khi là tuyển thủ quốc gia sẽ được hưởng lương 270.000 đồng/người/ngày nhưng khi không còn là vận động viên đội tuyển thì mức lương do địa phương chi trả nằm trong khoảng 180.000 đồng/người/ngày.

Theo một phép tính trung bình, mỗi vận động viên có mức lương trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng (chưa kể các chế độ hỗ trợ của địa phương theo các quy định riêng). Trong hơn 5 năm trở lại đây, khi các giải chạy marathon phong trào nở rộ, vận động viên điền kinh của các tổ chạy đã có thêm thu nhập đáng kể.

Những gương mặt nổi tiếng của điền kinh Việt Nam tại nội dung chạy dài như Đỗ Quốc Luật, Nguyễn Thị Oanh, Khuất Phương Anh, Nguyễn Văn Lai, Trịnh Quốc Lượng, Hồng Lệ, Lò Thị Thanh, Phạm Thị Bình, Hoàng Nguyên Thanh, Hoàng Thị Ngọc Hoa... đang là những người quen thuộc ở nhiều giải marathon trên khắp Việt Nam thời điểm hiện tại. Với nội dung dành cho hệ nâng cao của thi đấu marathon (42km) hoặc bán marathon (21km), ban tổ chức các giải luôn có phần thưởng từ 30 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng cho người về nhất thì những tuyển thủ quốc gia giành được phần thưởng là thu nhập chính đáng do sức lực họ bỏ ra (đơn cử phần thưởng giải marathon Techcombank 2022 diễn ra tháng 9.2022 là giải có tổng thưởng lớn nhất với 700 triệu đồng, người về nhất nội dung marathon nhận thưởng gần 120 triệu đồng/giải).

Tuy nhiên, lợi thế chỉ đang dành cho những vận động viên của nhóm nội dung chạy. Các vận động viên của nhóm nội dung nhảy, ném đẩy hay các môn phối hợp, rào, đi bộ gần như ít được cơ hội gia tăng thêm thu nhập từ giải đấu vì chuyên môn nội dung của họ quá đặc thù và chỉ giải thuộc hệ thống quốc gia mới tổ chức. 

Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, môn điền kinh thu hút gần 600 vận động viên của 59 đơn vị trong cả nước góp mặt thi đấu và đây là số lượng lớn nhất trong các môn chính thức của Đại hội. Do tính chất quan trọng của thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc, các đơn vị đã yêu cầu vận động viên của tổ chạy do mình quản lý không tham gia những giải marathon ở thời điểm tháng 11, 12 nhằm tập trung chuyên môn tốt nhất trước giải đấu lớn. Đó là lý do vì sao, một số giải marathon đã và sắp diễn ra ở tháng 11 này đều vắng mặt các gương mặt nổi tiếng của điền kinh Việt Nam.

Chúng tôi từng đặt câu hỏi rằng, liệu vận động viên thi đấu quá nhiều các giải marathon phong trào có bị ảnh hưởng đến chuyên môn cá nhân hay không? Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có phân tích rằng, về yếu tố chuyên môn vận động viên được thêm giải cọ xát cũng chính là một hình thức tập luyện nhưng ban huấn luyện của các đơn vị cũng như đội tuyển quốc gia của nhóm nội dung chạy dài đều có kế hoạch để vận động viên thi đấu giải theo quãng thời gian nghỉ phù hợp. 

Tại Đại hội thể thao toàn quốc năm nay, môn marathon chỉ có 24 vận động viên nam và 15 vận động viên nữ của các đơn vị đăng kí góp mặt. Nội dung này rất phát triển về phong trào và có nguồn xã hội hóa mạnh tuy nhiên để tập trung vào đào tạo huấn luyện thi đấu thành tích cao chuyên nghiệp thì không nhiều địa phương ở Việt Nam đầu tư bởi nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn