MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên môn nhảy cầu thi đấu tại SEA Games 31. Ảnh: Thành Đông

Thu nhập vận động viên: Những điều trăn trở

HOÀI VIỆT  LDO | 30/09/2022 06:30

Nếu để nói về câu chuyện thu nhập của vận động viên, người làm nghề là những người nhận thấy rõ điều này muôn hình muôn vẻ. Tựu chung lại, vận động viên đã đến với thể thao bằng cả tuổi thanh xuân của mình đồng thời họ cũng phải có những chế độ phù hợp nhất mới đảm bảo tốt nhất cho cuộc sống.

Người làm nghề không nói nhiều về chuyện thu nhập vì mỗi môn thể thao có đặc thù riêng. Thực tế, không phải môn thể thao nào cũng đủ giúp vận động viên kiếm được thu nhập vài chục triệu đồng chứ chưa nói đến con số tiền trăm triệu đồng hằng tháng. Người hâm mộ cả nước đã hồ hởi theo dõi kín khu thi đấu tại Cung thể thao dưới nước Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) tại SEA Games 31 vừa qua trong các ngày thi đấu chính thức đầu tiên để xem vận động viên nhảy cầu thi đấu. Vận động viên trình diễn xong, tất cả cổ vũ reo hò. Phía sau thi đấu, không nhiều người để ý rằng vận động viên môn nhảy cầu cũng ở diện... thu nhập không cao.

“Mỗi năm giải nhảy cầu không nhiều khi thi đấu trong nước. Chưa kể, chúng ta tham dự giải quốc tế vừa đủ và thành tích phải đạt được thì mới có thưởng theo quy định. Vì vậy, vận động viên nhảy cầu đều nỗ lực để có thêm thu nhập qua thưởng thành tích”, trọng tài Ngọc Anh của các nội dung thể thao dưới nước tại SEA Games 31 từng chia sẻ.

Giải vô địch nhảy cầu quốc gia thường chỉ có bốn địa phương cử vận động viên thi đấu thường trực là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định nên sự ái ngại về thu nhập với người làm nghề rất hiện hữu do giải ít, đơn vị đào tạo không nhiều. Với mức lương quy định, vận động viên nhận chưa tới 10 triệu đồng/tháng.

Môn bơi nghệ thuật cũng là trường hợp tương tự. Lúc này, cả nước chỉ còn đơn vị TP.Hồ Chí Minh có các câu lạc bộ bơi nghệ thuật đào tạo vận động viên thi đấu. 

Chúng ta có những giải trẻ, giải vô địch các câu lạc bộ trong nước nhưng tần suất giải không nhiều. Chưa kể, SEA Games khi có khi không tổ chức bơi nghệ thuật nên vận động viên gần như không có cơ hội thi đấu (lần gần nhất SEA Games tổ chức môn này là năm 2015 tại Singapore và 2017 tại Malaysia). 

Vận động viên tập luyện bơi nghệ thuật ở chúng ta mang đúng nghĩa vì đam mê bởi không thể trong vào giải đấu để có những khoản thưởng lớn, trang trải cho cuộc sống. Tương tự với họ, môn thể dục dụng cụ là môn đặc thù nên thu nhập của vận động viên không cao.

Cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Phước Hưng đã quyết định rời biên chế của thể thao Hà Nội để ra ngoài đeo đuổi mục tiêu của mình là mở phòng tập của bản thân, thu hút người tập tham gia với tập luyện thể thao và đồng thời kiếm thêm thu nhập. Phước Hưng là gương mặt nổi tiếng của thể dục dụng cụ, đã chuẩn bị bước vào giai đoạn huấn luyện vận động viên tuyến trẻ của đơn vị Hà Nội nhưng vẫn quyết tâm phải có sự thay đổi nên tìm ngã rẽ khác. Thu nhập chính của vận động viên thể dục dụng cụ như Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng... vẫn từ lương tập luyện của địa phương và đội tuyển quốc gia.

Ngoài ra họ giành thành tích huy chương quốc tế sẽ có thêm các khoản thưởng tương ứng giải đấu, kết quả huy chương. Thanh Tùng từng bày tỏ, tập luyện thể dục dụng cụ đã chiếm toàn bộ thời gian trong một ngày và sau mỗi buổi tập thì vận động viên cần thời gian nghỉ ngơi để hồi phục nên không thể làm được thêm bất kỳ việc gì khác kể cả kinh doanh. Toàn tâm với thể thao đã là điều mà Phương Thành hay Thanh Tùng tâm niệm ngay từ khi làm quen với môn có chuyên môn rất đặc thù và khắc nghiệt này.

Khi mạng xã hội với nền tảng facebook đang ngày càng thu hút mọi người tại Việt Nam, dễ nhận thấy nhiều vận động viên hoặc cựu vận động viên tìm thêm hướng có nguồn thu nhập chính đáng là bán hàng qua mạng. Không khó để thấy nhiều tài khoản facebook của các tuyển thủ quốc gia gia tăng thêm sự tương tác khi họ bán các sản phẩm về thể thao cho tất cả mọi người. Cựu tuyển thủ vật đội tuyển quốc gia từng dự Olympic là Nguyễn Thị Lụa từng bày tỏ việc mình làm thêm bán hàng trực tuyến - online để kiếm thêm thu nhập do lương và chế độ chỉ vài triệu đồng là rất khó trang trải chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều cựu vận động viên của môn võ thuật sau thi đấu hiện đang tìm được các công việc kiếm thu nhập tốt từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng khi tham gia với các câu lạc bộ dậy kick-fit, tập gym dành cho nam và nữ.

Làm về nghề, có thu nhập tốt từ nghề ở môn thể thao của mình là điều tất cả cùng mong muốn, nhưng khi thu nhập chưa được đảm bảo, việc có người phải làm thêm hoặc tìm ngã rẽ khác sẽ không tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn