MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U.23 Việt Nam trong trang phục mới nhất của Grand Sports. Ảnh: HỮU PHẠM

Thương hiệu đội tuyển đang bị lãng phí?: Chuyện những chiếc áo đấu (kỳ 1)

HOÀI ĐAN LDO | 07/02/2018 09:30

Bóng đá Việt Nam đang tạo được hiệu ứng tích cực từ xã hội sau thành công của U.23 Việt Nam tại giải U.23 Châu Á. Thế nhưng chuyện khai thác hình ảnh và thương mại hóa những đồ vật liên quan đến thương hiệu đội tuyển như áo đấu… đang bị lãng phí.

CĐV chưa hình thành thói quen… mặc áo đấu

Người Việt Nam vẫn được cho là hâm mộ bóng đá bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tình yêu bóng đá của người Việt cũng đã được thể hiện một cách cuồng nhiệt sau khi U.23 Việt Nam thi đấu thăng hoa ở Giải U.23 Châu Á 2018. Thế nhưng, có một điều đáng lưu ý là trong rừng người xuống đường hò reo, cổ vũ hay trên các khán đài, những chiếc áo màu đỏ không phải trang phục của đội tuyển. Đó đa phần là những chiếc áo có in hình cờ tổ quốc, nếu không cũng là áo nhái. Còn với các CĐV thuộc Hội CĐV VFS cũng có những trang phục riêng của mình.

Xét về mặt hình ảnh, sẽ chẳng có gì đáng nói, bởi mặc “áo quốc kỳ” đi cổ vũ cũng là điều rất bình thường, thậm chí còn khuyến khích vì phần nào đỏ là màu cờ tổ quốc. Thế nhưng, xét về khía cạnh thương mại thì đó là một thất bại. Đây là vấn đề cũng từng đã có nhiều tranh luận trên các diễn đàn. Nên nhớ, sau chức vô địch của Tuyển Đức tại World Cup 2014, hơn 11 triệu chiếc áo thi đấu đã được bán sạch.

Ngay cả các CĐV trong khu vực như Thái Lan, Myanmar hay Malaysia cũng từng thắc mắc về điều này. Khi đến tác nghiệp tại AFF Cup và SEA Games tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhiều CĐV và giới truyền thông đã chia sẻ rằng liên đoàn bóng đá của đất nước họ đa số coi áo đấu là một mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều CĐV của các nước này đều có thói quen mua áo đấu chính hãng như một hình thức ủng hộ đội tuyển. Đặc biệt, nhìn hình ảnh các CĐV Thái Lan từng sang Việt Nam cổ vũ cho ĐTQG nước này, áo đấu chính hãng của ĐTQG là một thứ gần như không thể thiếu.

Tôi có rất nhiều người bạn là CĐV của ĐT Việt Nam. Thế nhưng khi đến sân cổ vũ tuyệt nhiên không thấy ai mặc áo chính hãng của đội tuyển mà hầu hết sử dụng áo cờ đỏ sao vàng. Khi được hỏi về điều này, tất cả đều chia sẻ rằng họ chưa có nhiều thói quen mua áo đấu của đội tuyển. Bên cạnh đó thì giá thành của một chiếc áo đấu chính hãng cao, bản thân họ cũng chỉ có nhu cầu đến sân bóng 1-2 lần trong năm.

Vì sao các nhà tài trợ chưa thể khai thác thị trường?

Sau khi ĐT Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2008, VFF đã ký một hợp đồng “khủng” với hãng Nike với giá trị 5 triệu đôla cho 5 năm, hợp đồng giá trị nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Đáng nói là Nike đã tài trợ cho tất cả ĐT nam, nữ và trẻ. Thế nhưng khi hợp đồng này đã kết thúc thì Nike cũng “tháo chạy”.

Việc thương hiệu lớn này chia tay VFF không hẳn do thành tích của các ĐTQG không tốt, một lãnh đạo VFF đã tâm sự rằng bản chất nằm ở chỗ có quá nhiều mặt hàng nhái của hãng Nike xuất hiện trong các trận đấu của các ĐTQG. Cũng vì giá thành của mỗi chiếc áo đấu do Nike sản xuất lên đến cả triệu đồng khiến cho NHM không có điều kiện mua áo chính hãng. Do đó mà Nike lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu danh tiếng của nhãn hàng này.

Sau một thời gian, VFF mới tìm được nhà tài trợ trang phục mới cho đội tuyển là Grand Sports - một thương hiệu nổi tiếng của Thái Lan. Sau 3 năm hợp tác với VFF thì Grand Sports bắt đầu “đánh chiếm” thị trường Việt Nam và một bộ phận NHM bắt đầu biết đến việc mua áo đấu chính hãng.

Ngay sau thành công của ĐT U.23 Việt Nam, phong trào mua áo chính hãng của đội tuyển cũng bắt đầu xuất hiện. Một phần vì giá thành của những chiếc áo Grand Sports cũng dễ chịu, bên cạnh việc đã hình thành thói quen mặc áo đấu chính hãng.

Tuy nhiên, để áo đấu thành một sản phẩm có nguồn thu thực sự cho VFF thì vẫn chưa thể chạm tới. Thực tế, điều này là thực trạng chung của bóng đá Việt. Ngay cả các CLB V.League cũng hiếm kinh doanh được áo đấu khi tiếp nhận các hợp đồng “khủng”.

Với các nước có nền bóng đá phát triển, áo đấu mang lại lợi nhuận siêu khủng khi CĐV quan niệm mua áo đấu chính hãng là một cách ủng hộ đội tuyển. Đây là điều mà VFF và nhà tài trợ cần có chiến lược để tận dụng tốt thương hiệu sau cơn sốt U.23 Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn