MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp tặng thưởng U.23 VN. Ảnh: H.D

Thương hiệu đội tuyển đang bị lãng phí? - Vì sao doanh nghiệp Việt chưa mặn mà? (kỳ 2)

HOÀI ĐAN LDO | 08/02/2018 11:00

Nguồn thu chính của VFF đến từ các nhà tài trợ cho các ĐTQG nam, nữ, U.23 và các giải trẻ, nhưng “thu nhập” này không thấm vào đâu so với những khoản tổng chi trong năm. Và việc nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa mặn mà với thương hiệu ĐTQG đã tạo ra khoảng trống lớn ngay trên sân nhà...

VFF đang bị động

Theo báo cáo tài chính trong năm 2017, với việc bán thương quyền của các ĐTQG, vận động tài trợ, ngân sách... khi các đội tham dự giải đấu lớn, VFF đã thu về được khoảng 150 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính tại Hội nghị BCH VFF lần thứ 11, hoạt động thu chi trong năm vẫn bị âm gần 7 tỉ đồng. Lý do được VFF đưa ra là năm 2017 VFF phải đầu tư cho các đội tuyển trẻ tham dự nhiều giải đấu quốc tế, đội dự tuyển bị cắt ngân sách từ tháng 11, U.20 dự VCK U.20 World Cup không có nhà tài trợ…

Trong năm 2018, VFF sẽ phải lo cho 6 đội tuyển dự các giải châu lục gồm ĐTQG nữ, ĐTQG nam, futsal, U.23, U.19 và U.16. Dự kiến kinh phí cho 6 đội tập huấn, tham dự sân chơi Châu Á không dưới 70 tỉ đồng. Chính vì thế, bài toán kinh tế lại là vấn đề trăn trở lớn.

Trong số 6 đối tác của VFF đang tài trợ cho các ĐTQG là Z.Com, Yanmar, Suzuki, Sony, VP Milk, Grand Sprot thì chỉ có duy nhất thương hiệu VP Milk là doanh nghiệp trong nước, bản hợp đồng đã được bầu Đức kết nối đưa về khi là đối tác là nhà tài trợ chính của CLB HAGL. Bản hợp đồng giữa VP Milk và VFF kéo dài chưa đầy 1 năm, kéo dài đến cuối tháng 3.2018. Sở dĩ như vậy vì đây là thời điểm mà VFF sẽ kết thúc nhiệm kỳ VII. Bên cạnh đó thì mục tiêu chính của bản hợp đồng đó chính là hướng đến U.22 tại SEA Games 29 mà thầy trò HLV Hữu Thắng thất bại.

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt tay với những CLB lớn tại giải Ngoại hạng Anh như Viettinbank liên kết với Chelsea, BIDV và Sơn Kansai ký hợp đồng với Manchester United… với giá trị hàng triệu USD/năm lại không gắn bó với thương hiệu các ĐTQG?

Điều này có thể lý giải theo 2 khả năng: Một là các doanh nghiệp Việt chưa đánh giá hết tiềm năng về thương hiệu của đội tuyển, hoặc thương hiệu của các ĐTQG cũng chưa đủ sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp “khủng” trong nước. Thứ hai, cũng cần phải thấy rằng VFF đang bị động trong việc khai thác thương quyền đội tuyển.

Cần bắt đầu từ “cơn sốt” U.23 Việt Nam

Thực tế cho thấy, VFF vẫn thiếu hẳn một chiến lược về việc phát triển thương hiệu của đội tuyển. Đặc biệt, vấn đề tạo ra doanh thu từ thương mại hóa thương hiệu đội tuyển vẫn chưa hiệu quả.

Nhìn vào “cơn sốt” U.23 vừa qua có thể thấy đấy là mảnh đất đầy tiềm năng cho việc phát triển thương hiệu. Thực tế, số lượng doanh nghiệp đã công bố thưởng cho chiến tích của thầy trò HLV Park Hang-seo đã lên đến 40 tỉ đồng với gần 100 doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến bóng đá. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra, có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng gắn bó lâu dài thì vẫn chưa thấy một đối tác nào thực sự tiềm năng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hứa thưởng nhưng chính VFF và các cầu thủ vẫn phải chờ đợi tiền về tài khoản từng ngày.

Liên quan đến chuyện khai thác hình ảnh, có thể thấy một khoảng trốmg lớn, bởi nhìn vào “cơn sốt” U.23 Việt Nam vừa qua thì nhiều doanh nghiệp đã sử dụng và khai thác hình ảnh thầy trò HLV Park Hang-seo một cách khá thoải mái. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn “ăn theo” cơn sốt.

Sau đó, VFF đã ra thông báo về việc sở hữu quyền thương mại đối với các ĐTQG Việt Nam và nêu rõ: “Với sự thành công của ĐT U.23 Việt Nam đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của U.23 Việt Nam để kinh doanh, quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của VFF. Vì vậy, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào sử dụng tên gọi, hình ảnh của các ĐTQG khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của VFF là hành vi vi phạm quyền thương mại của VFF và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc khai thác trái phép các quyền thương mại liên quan đến các ĐTQG Việt Nam. VFF yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấm dứt ngay hành vi sử dụng trái phép tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của các ĐTQG. VFF sẽ tiến hành các biện pháp trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ thương quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật”.

Đây là điều lẽ ra phải có sự chủ động và tính toán từ trước. U.23 Việt Nam được yêu mến, trở thành một thương hiệu mạnh và cần được khai thác. VFF cần có một chiến lược phát triển thương hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thể trực tiếp tham gia đầu tư lâu dài cho ĐTQG, tạo “bầu sữa” để phát triển lâu dài cho bóng đá Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn