MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành tích của U23 Việt Nam đang khiến giá trị tăng cao. Ảnh: Đ.Đ

Thương hiệu U23 Việt Nam lên giá

Hoài Đan LDO | 01/09/2018 17:13

Sau khi tạo ra “cơn sốt” tại giải U23 Châu Á 2018, U23 Việt Nam tiếp tục để lại dấu ấn tại ASIAD 18. Thương hiệu U23 Việt Nam tiếp tục lên giá khi tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.

Từ chuyện “cơn khát” bản quyền truyền hình

Phải chờ đến hết vòng bảng môn bóng đá nam ASIAD 18, khi U23 Việt Nam giành vé vào tứ kết, người dân Việt Nam mới được theo dõi truyền hình trực tiếp. Câu chuyện bản quyền từng là “cơn khát” của người hâm mộ. Cũng từ câu chuyện này mà các nhà đài trở thành tâm điểm của sự chỉ trích rất gay gắt của người hâm mộ.

Một trong những nguyên nhân được rút ra từ câu chuyện này là do các nhà đài đã thiếu sự chủ động trong việc lường trước được khó khăn để mua bản quyền truyền hình. Bên cạnh đó, thương hiệu U23 Việt Nam được đẩy lên cao cũng là nguyên nhân khiến đối tác sở hữu bản quyền truyền hình sau đó nâng giá bán.

Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 18. OCA đã giao Công ty Dentsu (Nhật Bản) phân phối bản quyền truyền hình ASIAD 2018, đơn vị này cũng đã tiếp cận các đơn vị truyền hình Việt Nam nhưng không được hưởng ứng một cách quyết liệt. Ban đầu OCA chỉ chào bán bản quyền truyền hình ASIAD 2018 tại Việt Nam với giá được cho là chỉ khoảng 500.000 USD (khoảng 11 tỷ đồng).

Sau đó, KJSM WORLD CORP là đơn vị đã sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 2018 trực tiếp từ OCA. Đơn vị này đã chào bán lại cho các nhà đài Việt Nam lên đến 3 triệu USD (xấp xỉ 100 tỷ đồng). Và VTV sau đó đã phát đi thông báo với mức giá được đẩy “trên trời” khiến cho nhà đài không thể mua bằng mọi giá.

Khi VOV nhờ đơn vị trung gian tiếp xúc với KJSM WORLD CORP và được chào bán với giá khoảng 1,3 triệu USD. Nhờ sự giúp sức của một số tạp đoàn lớn, VOV đã chính thức có được bản quyền truyền hình ASIAD phát trực tiếp trên kênh VTC3 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Và VOV, VTC cũng đã chấp nhận “đánh bạc” với thương vụ này bởi, chỉ cần U23 Việt Nam bị loại ở vòng 1/8 thì công sức khai thác gói bản quyền cũng gần như không có gì. Thế nhưng, việc thầy trò HLV Park Hang-seo tiến một mạch vào đến bán kết khiến nhà đài cũng tăng giá từng phút quảng cáo.

Theo đó, giá quảng cáo có đội tuyển U23 Việt Nam ở vòng 1/8 cao nhất là 150 triệu đồng cho 30 giây. Với 20 giây, giá là 112,5 triệu đồng; 15 giây giá 90 triệu đồng, 10 giây giá 75 triệu đồng.

Giá quảng cáo trận tứ kết U23 Việt Nam – U23 Syria cao nhất là 250 triệu đồng cho 30 giây. Với 20 giây, giá là 187,5 triệu đồng; 15 giây giá 150 triệu đồng, 10 giây giá 125 triệu đồng.

Còn giá trận bán kết U23 Việt Nam – U23 Hàn Quốc đã tăng lên gần nửa tỉ cho 30 giây. Cụ thể 450 triệu đồng cho 30 giây. Các slot thời lượng 10 giây, 15 giây, 20 giây cũng tăng giá lần lượt 100 triệu, 120 triệu, 150 triệu đồng lên 225 triệu, 270 triệu và 337,5 triệu đồng.

Cần có chiến lược khai thác thương hiệu U23

Sau khi thầy trò HLV Park Hang-seo tạo kỳ tích ở giải U23 Châu Á, đã có gần 100 doanh nghiệp đã công bố thưởng cho U23 Việt Nam với con số đã lên đến hơn 50 tỉ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến bóng đá. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra, có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng gắn bó lâu dài thì vẫn chưa thấy một đối tác nào thực sự tiềm năng.

Sau đó, đã có Vinaphone đã vào cuộc trong việc tổ chức giải giao hữu tứ hùng trước thềm ASIAD 18. Đây được xem là sự xuất hiện rất đáng ghi nhận từ một doanh nghiệp Việt Nam. Và chúng ta đang cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các doanh nghiệp Việt Nam. Và muốn như vậy thì VFF cũng cần chủ động hơn trong việc khai thác thương quyền U23 Việt Nam.

Điều đáng mừng là, ngoài 6 đối tác quen thuộc của VFF đang tài trợ cho các ĐTQG là Z.Com, Yanmar, Suzuki, Sony, VP Milk, Grand Sprot thì sau thành công của U23 Việt Nam, đã có thêm Acecook và Cocacola. Đây được xem là sự lên giá của thương hiệu U23.

Sau “cơn sốt” U23 Việt Nam tại giải U23 Châu Á 2018, một câu chuyện hậu trường được chia sẻ khá thú vị. Đó là HLV Park Hang-seo từ một người không quá nổi tiếng ở Hàn Quốc bỗng nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thương hiệu của HLV người Hàn Quốc lên cao mà chính những cộng sự liên quan trong khâu truyền thông và làm thương hiệu cũng khó định giá.

Liên quan đến chuyện khai thác hình ảnh, có thể thấy một khoảng trống lớn, bởi nhìn vào “cơn sốt” U23 Việt Nam vừa qua thì nhiều doanh nghiệp đã sử dụng và khai thác hình ảnh thầy trò HLV Park Hang-seo một cách khá thoải mái. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn “ăn theo” cơn sốt. Đây cũng là vấn đề đã từng xuất hiện và mất kiểm soát. 

Sau giải U23 Châu Á 2018, VFF đã ra thông báo về việc sở hữu quyền thương mại đối với các ĐTQG Việt Nam và nêu rõ: “Với sự thành công của ĐT U23 Việt Nam đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của U23 Việt Nam để kinh doanh, quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của VFF. Vì vậy, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào sử dụng tên gọi, hình ảnh của các ĐTQG khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của VFF là hành vi vi phạm quyền thương mại của VFF và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc khai thác trái phép các quyền thương mại liên quan đến các ĐTQG Việt Nam. VFF yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấm dứt ngay hành vi sử dụng trái phép tên gọi, hình ảnh, thương hiệu của các ĐTQG. VFF sẽ tiến hành các biện pháp trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ thương quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật”.

Sau trận tứ kết, VFF thưởng U23 Việt Nam 600 triệu, Uỷ ban Olympic Việt Nam 500 triệu, Đài tiếng nói Việt Nam VOV 500 triệu và nhà tài trợ Asanzo thưởng 25.000 USD và mỗi thành viên đội U23 Việt Nam 1 tivi 55inch. Trước đó, sau chiến thắng trước U23 Bahrain để lần đầu tiên vào đến tứ kết ASIAD, U23 Việt Nam nhận được số tiền "thưởng nóng" lên đến 1,2 tỷ đồng. Tổng cộng, U23 Việt Nam có hơn 3 tỉ tiền thưởng và chắc chắn con số này sẽ còn tăng thêm nữa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn