MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: DP

Thương và cảm phục bóng đá nữ

HOÀI ĐAN LDO | 21/08/2017 16:00

Bóng đá nữ Việt Nam đến SEA Games 29 với chỉ tiêu được giao là phấn đấu giành Huy chương Vàng. Thế nhưng cũng giống như bao kỳ SEA Games khác, phận “con gái đá bóng” vẫn phải quen với nỗi buồn, sự tủi thân khi ít nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, nhất là so sánh với các đồng nghiệp nam.

Bị “bỏ đói”…

Tưởng đó chỉ là câu chuyện của những SEA Games ở thời kỳ “mông muội”, ấy vậy mà chuyện VĐV bị đói, ăn uống không đảm bảo tồn tại ngay tại Malaysia, khi thầy trò HLV Mai Đức Chung rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi đặt chân đến đất Mã.

“Chúng tôi đến Malaysia khá vất vả khi phải chờ đợi làm thủ tục, thất lạc đồ đạc và phải đến 22h30 mới về đến khách sạn. Tuy nhiên, khách sạn không còn phục vụ đồ ăn khiến các cầu thủ rất đói, một số phải ăn mỳ gói hoặc ra ngoài ăn tạm. Cho đến buổi tập hôm sau người chúng tôi vẫn rất lơ mơ, ăn không đủ và giờ giấc cũng trễ nên rất oải. Tuy vậy, đội vẫn giữ sự tập trung và cố gắng có trạng thái tốt nhất” - HLV Mai Đức Chung - chia sẻ.

Theo báo cáo của ông Trần Đức Phấn - Trưởng Đoàn TTVN với Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong chuyến thăm “đại bản doanh” của Đoàn tại Malaysia ngày 19.8, thì chuyện ăn gặp trục trặc trong mấy ngày đầu, do đồ ăn chưa hợp và còn ít. Sau khi đề nghị BTC bổ sung thêm đồ ăn thì đã được đáp ứng nhưng số lượng chưa đủ.

Bóng đá nữ vốn đã thiếu thốn nhà tài trợ nên những câu chuyện lặt vặt đó càng khiến nhiều người thấy chạnh lòng. Còn nhớ trước ngày lên đường sang Nhật Bản tập huấn, do ĐT nữ không có giải đấu nào trước thềm SEA Games nên không có nguồn tiền thưởng như bóng đá nam (có 1,6 tỉ đồng tiền thưởng sau khi có vé vào VCK U.23 Châu Á), một lãnh đạo VFF đã phải đề xuất chi cho mỗi cầu thủ 3 triệu đồng. Thế mới thấy, dù gặt hái được nhiều danh hiệu qua các kỳ SEA Games thì các cầu thủ nữ vẫn cứ mòn mỏi để chờ cho “no cái bụng”.

Và bị… bỏ quên

Ở trận ra quân gặp Philippines, ĐT nữ Việt Nam chỉ có vẻn vẹn 4 khán giả cổ vũ. Đây là sân đấu nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Malaysia nên không nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, U.22 Việt Nam cũng thi đấu cùng giờ nên tất cả hướng về thầy trò HLV Hữu Thắng.

Dù trận đấu đó thầy trò HLV Mai Đức Chung đã có chiến thắng 3-0 nhưng cái khoảng lặng sau lưng ấy chỉ được gói gọn trong cụm từ quen thuộc “chúng tôi quen rồi”. Chia sẻ với báo chí, ông Chung nói rằng: “Tôi thực sự xúc động với việc đã có những CĐV trên khán đài cổ vũ tuyển nữ Việt Nam. Tôi rất mong muốn được gặp họ để nói lời cảm ơn. Chúng tôi đã quen với việc không có nhiều khán giả nhưng vẫn luôn mong có CĐV bên cạnh…”.

Tiền vệ Tuyết Dung cũng chia sẻ cảm xúc cam chịu trước sự lặng lẽ, thờ ơ đó, bởi bao năm qua, Dung và đồng đội vẫn ăn mỳ gói, thi đấu trên sân không khán giả và vẫn… giành Vàng.

Buổi tập trước trận “chung kết” với Myanmar, do trời rất nóng nên các cô gái phải vận áo tập dài tay, xoa kem dưỡng da chống nắng. Sau buổi tập, mồ hôi vã trên những khuôn mặt ướt nhoè kem chống nắng khiến ai cũng “nhem nhuốc”. Họ tâm sự đã quen với điều kiện tập luyện, thi đấu khắc nghiệt nên không có gì phải ca thán. Và những nụ cười cùng quyết tâm chưa bao giờ tắt với họ - những cô gái đi đá bóng.

“Tôi là người đã dự khán trận đấu ra quân của ĐT nữ Việt Nam. Theo thống kê của BTC, có 65 khán giả đến sân và trong 4 khán giả Việt Nam thì có 1 CĐV từ Việt Nam sang Malaysia công tác nên đến theo dõi trận đấu. Bóng đá nữ vốn ít được quan tâm là thực trạng chung của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam, thế nhưng nhìn các cháu thi đấu trong hoàn cảnh như vậy, chính bản thân tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Tôi mong rằng truyền thông cũng như người hâm mộ hãy quan tâm hơn đến bóng đá nữ. Bởi họ cũng đang thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì hình ảnh quốc gia…”. Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn