MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bóng đá Việt Nam cần có học hỏi bóng đá Nhật Bản về sự thống nhất trong các công tác đào tạo trẻ. Ảnh: VFF

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho bóng đá Việt Nam

TAM NGUYÊN LDO | 24/02/2024 07:39

Bóng đá Việt Nam đang nói nhiều hơn về chuyện cầu thủ xuất ngoại hay nhập tịch cầu thủ, nhưng khi chưa làm tốt vấn đề ở cơ sở, yếu tố chuyên nghiệp sẽ mãi chỉ là nửa vời.

Vẫn là hình mẫu từ bóng đá Nhật Bản

Đội tuyển Nhật Bản có thể thất bại tại kỳ Asian Cup 2023 vừa qua nhưng không thể phủ nhận những thành quả mà bóng đá Nhật Bản đang có sau quyết tâm thay đổi một cách mạnh mẽ từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là hình mẫu thực sự cho cách làm bóng đá, nhưng điểm mấu chốt không hẳn là chuyện có quyết tâm hay không mà cần sự đồng thuận của cả hệ thống.

Cách đây 2 năm, Lao Động từng có bài viết về cách thay đổi của bóng đá Nhật Bản với tầm nhìn lên đến… 100 năm. Ở đó, họ đặt mục tiêu có 100 câu lạc bộ chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia vô địch World Cup vào năm… 2092. Điều đó cho thấy, họ thực sự xác định rằng, làm cách mạng bóng đá là một quá trình gian khổ và lâu dài.

Cựu tuyển thủ Singapore, Sasi Kumar, từng rất sốc với tầm nhìn dài hạn của bóng đá Nhật Bản. “Chúng tôi không biết mình sẽ ăn gì vào sáng mai, nhưng họ đã lên kế hoạch và xây dựng một hệ sinh thái, không chỉ J.League mà mọi thứ từ cấp cơ sở”.

Những điểm nhấn trong cách mạng bóng đá Nhật Bản là bóng đá học đường được coi trọng, các câu lạc bộ bắt buộc phải có học viện đào tạo ở nhiều cấp độ trẻ, và việc đào tạo hướng cầu thủ trẻ đến sự tự tin - tự coi mình là người giỏi nhất (để cạnh tranh vươn lên chứ không phải để tự mãn), và được đào tạo cả các vấn đề tâm lý.

Họ đã đi trên hành trình của mình một cách kiên trì, đồng lòng, để hiện tại đã có thể chạm đến tầm thế giới.

Bóng đá Việt Nam có dám làm?

Câu chuyện về “tầm nhìn” ở Việt Nam không thiếu, trong mọi lĩnh vực đời sống. Bóng đá cũng có tầm nhìn, nhưng nhìn đi nhìn lại, cuộc cách mạng bóng đá ở Việt Nam lúc này dường như không biết phải bắt đầu thế nào. Sự lửng lơ giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư đặt ra câu hỏi về việc nên “sửa chữa” hay “đập đi làm lại”.

Theo dòng phát triển, bóng đá Việt Nam đang nói nhiều hơn về chuyện “xuất khẩu cầu thủ”, nhưng vì sao đã có nhiều trường hợp thử sức ở các môi trường mới đều không thành công? Đó là vấn đề từ cơ sở, từ việc đào tạo ra những cầu thủ không có sự toàn diện. Từ chuyên môn cho đến bản lĩnh về tâm lý, tinh thần, bản lĩnh cả trong việc đối mặt với sức ép khi trở thành ngôi sao.

Chuyện vô kỷ luật mới xảy ra với Đình Bắc ở câu lạc bộ Quảng Nam, hay trước đó là Xuân Tiến ở Sông Lam Nghệ An, là một lời nhắc nhở có trọng lượng cho công tác đào tạo. Liệu đó có phải là số ít? Lẽ rằng không, bởi chỉ là chưa được công khai mà thôi. Quá khứ từng chứng kiến nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam “hỏng” khi trở thành ngôi sao…

Một sự định hướng chung trong đào tạo dĩ nhiên quan trọng. Tất nhiên, không phải để tạo ra những cỗ máy mà trên một nền tảng chuẩn mực, sự nghiệp của họ sẽ phát triển theo cá tính của mình. Có thể không phải tất cả đều lên đỉnh cao, có thể có những người “bẻ lái”, cũng khó tránh cả những trường hợp vô kỷ luật vẫn tồn tại, nhưng về cơ bản là có bản lĩnh.

Thời gian gần đây, tiền vệ Xuân Trường có nhiều chia sẻ trên podcast, chỉ ra nhiều vấn đề của cầu thủ trẻ Việt Nam, trong đó, tâm lý là thứ rất yếu. Vậy mà câu chuyện đào tạo, xây dựng hình tượng ngôi sao cho nền thể thao nói chung, cho bóng đá nói riêng đang được nói đến nhiều. Nhìn sang giới showbiz là thấy áp lực cho người nổi tiếng lớn đến mức nào và chỉ một sai sót nhỏ, sức ép sẽ nhân lên gấp bội. Với đa phần cầu thủ ngay cả việc phát biểu, trả lời phỏng vấn còn chưa thể ở mức chỉn chu, bản lĩnh và tâm lý thi đấu vẫn là điều gì đó rất khó để chạm đến.

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho bóng đá Việt Nam, thậm chí cho cả nền thể thao Việt Nam, là hãy làm lại một cách toàn diện từ cơ sở chứ không phải bề nổi của câu chuyện chuyên nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn