MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu lạc bộ Than Quảng Ninh gặp khó khăn trước thềm V.League 2021. Ảnh: VPF

Tiếng than từ bóng đá đất Mỏ

AN NGUYÊN LDO | 24/11/2020 10:00

Những bất cập của bóng đá Việt Nam tiếp tục tái diễn từ những lá đơn kêu cứu của Hội cổ động viên bóng đá Than Quảng Ninh.

Giấc mơ Cẩm Phả

Ngày Than Quảng Ninh trở lại V.League vào năm 2014, sân Cẩm Phả như một “thiên đường” ở V.League theo đúng nghĩa đen. Các khán đài đầy ắp cổ động viên cuồng nhiệt chẳng kém gì Thiên Trường. Thậm chí, Than Quảng Ninh còn là một “đại gia” thứ thiệt với hàng loạt bản hợp đồng “bom tấn” như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Hoàng Danh Ngọc,…

Thứ bóng đá đẹp mà Than Quảng Ninh mang lại cùng không khí rực lửa của người hâm mộ đất Mỏ khiến nhiều đội bóng khác phải mơ ước. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng cũng là người có tầm nhìn khi ông đã “chọn mặt gửi vàng” ở huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cho nhiệm vụ xây dựng Than Quảng Ninh theo hướng chuyên nghiệp.

Than Quảng Ninh không hẳn đã đi chệch hướng so với kế hoạch ban đầu. Những ngôi sao được xem là bộ mặt của đội bóng như Tuấn Linh, Hải Huy, Hồng Quân, Xuân Tú,… vẫn ra sân và cống hiến hết mình. Một vài tài năng trẻ bản địa như Hai Long, Minh Thành, Văn Quý,…bắt đầu được trao cơ hội.

Câu lạc bộ Than Quảng Ninh cũng là một trong những đội bóng tổ chức trận đấu chuyên nghiệp nhất, khâu hình ảnh cũng được chăm chút cẩn thận. Một hình mẫu về phát triển bóng đá dần được khẳng định tại V.League nếu căn bệnh mãn tính của bóng đá Việt Nam không xuất hiện…

Bóng đá đất Mỏ cũng phải…than

Hôm nay, lá đơn kêu cứu cho số phận của câu lạc bộ Than Quảng Ninh bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Trong lá đơn có chữ ký của chủ tịch Hội cổ dộng viên bóng đá Than Quảng Ninh là ông Trần Lê Trung, những con người nhiệt huyết ấy thẳng thắn chỉ ra khó khăn lớn nhất của Than Quảng Ninh chính là tài chính.

Bất chấp việc giành được vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng, Than Quảng Ninh vẫn bộc lộ nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Hồi đầu mùa giải, phải đến trước trận đấu với Thanh Hoá tại vòng 6, tiền lương cho khoảng 3 - 4 tháng trước đó mới được thanh toán. Trước giai đoạn 2, việc cho Hải Phòng mượn cả Fagan, Hồng Quân và Xuân Tú khiến lãnh đạo câu lạc bộ bị chỉ trích rất nhiều dù câu trả lời luôn là “tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ”.

Lá đơn ấy cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu không có sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, việc câu lạc bộ Than Quảng Ninh rơi vào cảnh dừng hoạt động hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhưng cũng chẳng phải đến bây giờ thì những khó khăn của Than Quảng Ninh mới được biết đến. Trong 2-3 mùa giải gần đây, đội bóng vùng Mỏ cũng gặp vấn đề tương tự như các đội bóng khác ở V.League. Trên thực tế, nguồn thu duy nhất của Than Quảng Ninh đến từ ngân sách tài trợ của tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam và cá nhân ông bầu Phạm Thanh Hùng. Bên cạnh đó là một số bản hợp đồng tài trợ khác có giá trị không lớn và chưa thể là “xương sống” cho đội bóng hoạt động.

Điều này có nghĩa rằng, Than Quảng Ninh cũng không có nguồn thu gì đáng kể từ việc bán các sản phẩm từ bóng đá. Vẫn là việc nhận tài trợ rồi thi đấu, dù rằng Than Quảng Ninh được xem là những người tiêu tiền thông minh và chuyên nghiệp bậc nhất V.League. Nhưng đó cũng chỉ dừng lại ở việc tiêu tiền, còn kiếm tiền thì rất khó.

Có nhiều người nói vui rằng Quảng Ninh cứ “xúc than lên mà bán”. Nhưng khi “bầu sữa bị tắc nghẽn” hoặc gặp vấn đề, bóng đá đất Mỏ dù có từng là hình tượng của sự chuyên nghiệp thì vẫn phải… than.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn