MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trao giải đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL 2022

Văn Sỹ - Tạ Quang LDO | 08/11/2022 18:26

Sóc Trăng - Chiều ngày 8.11, Ban tổ chức Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ, Lễ hội Oóc Om Bóc và Lễ hội đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL 2022 tổ chức bế mạc Ngày hội và trao Giải đua ghe Ngo

Sau 2 ngày tranh tài quyết liệt, ở giải nam, đội Wath Pích của thị xã Vĩnh Châu xuất sắc giành Giải Nhất; đội Pong Tứk Chắs huyện Thạnh Trị đạt Giải Nhì và đội Noren RangSay huyện Thạnh Trị đạt Giải Ba.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trao giải cho các đội nam.

Về đội ghe nữ, Giải Nhất thuộc về đội Prêk Chêk của thị xã Ngã Năm; đội Tum Núp huyện Châu Thành đạt Giải Nhì; Giải Ba thuộc về Đội Cro Nhung tỉnh Kiên Giang.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng trao giải cho các đội nữ.

Giải đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 có sự tham gia của 54 đội đến từ 7 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long với gần 6.000 vận động viên.

 Các VĐV vui mừng trước chiến thắng của đội nhà.

Các đội ghe tham gia tranh tài tại Sóc Trăng năm nay hầu hết là những đội mạnh, có tiếng ở nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nên các cặp đua tranh tài hết sức gay cấn với những màn rượt đuổi ngoạn mục. Trong đó, có những cặp đua khi về đích chỉ cách nhau từ 3 đến 4 mét.

Giải đua ghe Ngo diễn ra hết sức gay cấn khi có nhiều cặp đua khi về đích chỉ cách nhau vài mét.

Đánh giá tổng kết về Ngày hội, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ, Lễ hội Oóc Om Bóc và Lễ hội đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2022 cho biết, tất cả các hoạt động đều diễn ra thành công tốt đẹp. Các chương trình, hoạt động đều mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ.

Đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo thu hút hàng chục nghìn người đến xem và cổ vũ. Các hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; diễn tấu nhạc ngũ âm cũng thu hút rất đông khán giả theo dõi. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo được ấn tượng đối với du khách gần xa khi đến với Sóc Trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn