MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Hậu ra mắt SC Heerenveen của Hà Lan. Ảnh: P.V

Từ Ánh Viên đến Văn Hậu: Đừng để SEA Games mãi trở thành ám ảnh

HOÀI THU LDO | 05/09/2019 07:07

Thêm một cầu thủ nữa của bóng đá Việt Nam sang Châu Âu chơi bóng. Không ai có thể đảm bảo rằng Hậu sẽ tỏa sáng, được thi đấu thường xuyên. Nhưng nếu không chấp nhận thử thách thì thành công có đến?

Ngày 2.9, Văn Hậu chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng cho mượn có giá trị 1 năm với Heerenveen. Trong bản hợp đồng CLB Hà Lan chấp nhận để Hậu trở về nếu được gọi tại SEA Games. Điều khoản ấy thực sự có cần thiết?

Từ nước mắt “Tiểu tiên cá”

Tháng 7.2017, Ánh Viên bật khóc sau khi kết thúc giải Vô địch bơi lội thế giới. Viên chỉ giành vị trí thứ 10 cùng thành tích 4 phút 40 giây 39, một thành tích kém rất nhiều so với thành tích tốt nhất mà “Tiểu tiên cá” đạt được tại Olympic Rio cách đó 1 năm. Nước mắt thất vọng ấy cô dành cho chính mình, cho những ngày tháng dài đằng đẵng trên đất Mỹ để tìm vinh quang cho đất nước. Nhưng đó chẳng phải lần cuối, cô gái Vàng của bơi cũng như nền thể thao phải khóc…

Tháng 8.2019, Ánh Viên thất bại hoàn toàn ở giải bơi lội Vô địch thế giới tại Hàn Quốc. Cô chỉ giành vị trí thứ 19 và không vượt qua vòng loại nội dung 400m hỗn hợp - sở trường của cô gái người Cần Thơ. Thành tích 4 phút 47 giây được coi là bước lùi “kỷ lục” so với thành tích tốt nhất mà Viên từng đạt được (4p36s85). Ở tuổi 23, độ tuổi được coi là độ chín dành cho một vận động viên bơi lội, Viên thua chính mình.

Mmột buổi họp khẩn của bộ môn bơi lội được tiến hành, rất nhiều nguyên nhân được đưa ra. Nổi bật trong đó có lẽ là việc Ánh Viên vẫn đang phải nai lưng ra gom vàng SEA Games, đấu trường mà cô đã dành tới 19 chiếc HCV: “23 là độ tuổi chín của một VĐV nữ như Ánh Viên. Nhưng khi trẻ, VĐV phải được huấn luyện kỹ thuật cơ bản thật tốt thì tuổi này mới có thể bung sức được. Còn Viên, giai đoạn đầu lại dành quá nhiều thời gian để đốt và giành thành tích nên giờ đây việc sửa kỹ thuật rất khó khăn”. Ông Nguyễn Trọng Hồ - Vụ trưởng vụ thành tích cao 2 chia sẻ.

Một tài năng được đánh giá là “50 năm mới có” của thể thao Việt Nam như Ánh Viên vẫn đang phải vẫy vùng, đốt sức lực trong những cuộc đua mà cô biết chắc mình sẽ chiến thắng tại “ao làng”. Lẽ nào vị trí thứ 6 tại Olympic Rio de Janeiro, hạng 10 thế giới vẫn chỉ mãi là ký ức đẹp của nàng “Tiểu tiên cá” và rồi tài năng hiếm có, khó tìm này còn phải khóc biết bao lần nữa vì không thể vượt qua chính mình ở các giải đấu sắp tới?

Văn Hậu - SEA Games hay giấc mộng Châu Âu?

2 năm trước, HLV Hoàng Anh Tuấn quyết định triệu tập Văn Hậu lên tham dự giải Vô địch U18 Đông Nam Á, và cầu thủ trẻ này trở thành cầu thủ đầu tiên ở Việt Nam thi đấu ở cả 4 cấp độ ĐTQG (U.18, U.20, U.22 và ĐTQG) chỉ trong hơn 1 năm. Ở giải đấu trẻ, Hậu dù đã thi đấu cho ĐTQG vẫn “được” gọi để mang Cup về.

Thống kê không chính thức thì trong năm 2017, Hậu đã thi đấu tới hơn 60 trận đấu, con số khiến không ít người giật mình với một cầu thủ mới bước sang tuổi 18. Khi đó, đã có một câu hỏi được đặt ra và gây tranh cãi: Thành tích ở giải đấu trẻ có thực sự cần thiết để tận dụng, lãng phí thể lực của một tài năng như vậy?

Nhắc lại câu chuyện cũ nhưng giờ vẫn mới toanh, liên quan đến Văn Hậu - cầu thủ vừa ký hợp đồng với SC Heerenveen thi đấu ở giải VĐQG Hà Lan mà điều khoản quan trọng được cài vào: Được về đá SEA Games, sân chơi dành cho cấp độ U.23 và bóng đá chỉ là một môn trong rất nhiều môn thể thao của Đại hội nhưng qua bao năm, bao thế hệ thất bại nên trong tiềm thức của bóng đá Việt luôn là một nỗi đau không thể quên.

Hơn 1 năm HLV Park Hang-seo đến với bóng đá Việt, chúng ta lọt vào tới chung kết U.23 Châu Á, bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup và tứ kết ASIAN Cup. Bóng đá Việt Nam đã có những bước đột phá mà cả những người làm bóng đá cũng không thể ngờ đến. Có những lúc, chúng ta đã tưởng như quên đi SEA Games. Nhưng chính lứa cầu thủ đã cùng thầy Park “đánh đâu thắng đó” ấy cũng từng bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games.

Trở lại với Đoàn Văn Hậu, với điều khoản hợp đồng cho phép trở về thi đấu ở SEA Games và cùng với đó là những câu hỏi. Phải chăng SC Heerenveen vẫn chưa thực sự tin tưởng vào khả năng và sự cống hiến của chàng trai mới 20 tuổi mà họ chấp nhận bỏ cả triệu đô để đầu tư? Và họ đồng ý cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận phương án thay thế Hậu? Hãy đặt một câu hỏi ngược lại, nếu Hậu tỏa sáng trong thời gian tới và chiếm suất đá chính bên hành lang cánh trái Heerenveen, giữa việc ở lại để tỏa sáng ở Châu Âu qua đó được các đội bóng lớn hơn để ý và trở về phụ vụ SEA Games, Hậu và những người yêu mến anh sẽ chọn cái gì? Liệu Văn Hậu có cần bỏ tất cả, bỏ cả cơ hội phát triển để trở về?

“Thà xem bóng đá Việt Nam còn hơn…”, Jose Mourinho hơn một lần “đá đểu” như thế. Thế mà một cầu thủ trẻ của Việt Nam được chuyển nhượng, có cơ hội đá ở Châu Âu. Cơ hội thể hiện của Hậu không phải lúc nào cũng đến, nắm lấy nó hay lại trở về bung sức cho một giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ dưới 22 tuổi và vốn không thuộc hệ thống giải của FIFA?

Ánh Viên đã có thể tốt hơn nhiều nếu không phải tập trung sức lực để gom vàng từ SEA Games, Văn Hậu thay vì có thêm quãng nghỉ thì phải căng mình ở giải đấu giành cho cầu thủ mới 18 tuổi, thế thì học được gì và phát triển ra sao? Và khi cả giải VĐQG Hà Lan phải xôn xao vì một cầu thủ Việt Nam giá triệu đô rồi có thể cái tên Văn Hậu còn được nhắc đến nhiều nữa không chỉ với lễ ra mắt, thiên hạ sẽ nhìn nhận ra sao nếu cầu thủ này phải quay về đá SEA Games do trọng trách thành tích như một nỗi ám ảnh của cả nền thể thao

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn