MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong thể thao. Ảnh: Minh Anh

Từ bữa ăn của vận động viên bóng bàn đến chuyện ăn thế nào cho đủ chất

HOÀNG HUÊ - MINH PHONG LDO | 06/10/2023 19:02

Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Ngọc Trâm Anh, hiện tại đang học Thạc sĩ ngành Dinh dưỡng thể thao tại Anh Quốc khẳng định, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tập luyện và hiệu suất thi đấu của vận động viên thể thao.

PV: Xin chào chị Trâm Anh. Ít ngày gần đây, chắc hẳn chị có theo dõi câu chuyện về bữa ăn của các vận động viên tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Từ câu chuyện này, có thể thấy, trong thói quen dinh dưỡng của người Việt, dường như số lượng quan trọng hơn chất lượng?

- Chuyên viên dinh dưỡng Trâm Anh: Nếu nhìn vào một số hình ảnh trên mạng xã hội, rất khó để có thể đánh giá rằng bữa ăn này có đảm bảo dinh dưỡng cho các vận động viên hay không. Thực tế, không phải lúc nào 1 vận động viên cũng cần ăn quá nhiều chất.

Họ có thể ăn nhiều bữa trong ngày. Có thời điểm bữa ăn chính, vận động viên không cần nạp quá nhiều calo, mà lượng calo đó sẽ phân bổ vào những bữa phụ khác.

So với những hình ảnh về bữa ăn của các vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ, chúng ta cần nhiều dữ liệu hơn để có thể đánh giá rằng họ có đang ăn đủ chất hay không.

Về thói quen ăn của người Việt, tôi thấy nó không hoàn toàn là số lượng nhiều hơn chất lượng. Cả 2 đều quan trọng như nhau. Nếu ở trong giai đoạn cần hồi phục sau trận đấu thì lượng Carbohydrate (tinh bột) hay protein (đạm) đều quan trọng cả.

Văn hoá ăn uống chỉ là 1 phần nhỏ. Còn lại, nếu các vận động viên và nhà bếp có điều kiện tìm hiểu thêm về dinh dưỡng hoặc gặp người tư vấn riêng xem cơ thể mình cần những chất gì, hàm lượng ra sao,... thì sẽ tốt hơn nhiều.

Được biết, chị từng có thời gian 2 năm là chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về công việc của mình?

- Đầu tiên, tôi sẽ lên kế hoạch dinh dưỡng cho cả tuần hoặc cả tháng nhằm giúp cầu thủ đáp ứng được cường độ tập luyện. Ví dụ, đội có lịch tập hoặc thi đấu cố định trong 1 khoảng thời gian (giải trẻ, hạng Nhất) thì lịch dinh dưỡng cũng phải cố định theo, làm sao để các vận động viên có thể trạng tốt nhất. Toàn đội sẽ có lúc tập nặng hoặc tập nhẹ. Cán bộ dinh dưỡng phải thay đổi khẩu phần ăn, thực phẩm phù hợp.

Hoạt động tiếp theo của tôi là đánh giá thành phần cơ thể: phần trăm mỡ, cân nặng, lượng cơ trong cơ thể. Khi đã xác định những chỉ số này, tôi sẽ đưa cho huấn luyện viên thể lực để họ dựa vào đó đề ra giáo án tập luyện tốt hơn cho cầu thủ.

Ngoài ra, tôi còn tư vấn cá nhân cho các cầu thủ tại Học viện bóng đá. Không phải ai cũng có nhu cầu, nhưng sẽ có một số cầu thủ hay gặp tình trạng mệt mỏi, cơ thể bị thừa mỡ thì họ sẽ nhờ tôi tư vấn chế độ dinh dưỡng riêng và đưa ra những khuyến nghị riêng cho bản thân.

Chị Trâm Anh từng là chuyên viên dinh dưỡng của cầu thủ Quang Hải trước khi sang Pháp thi đấu. Ảnh: NVCC

Chị nhận thấy sự khác biệt nào về việc nhìn nhận vấn đề dinh dưỡng trong thể thao Việt Nam với các nước châu Âu?

Mỗi nước châu Âu sẽ có những quan điểm về dinh dưỡng thể thao khác nhau, thậm chí có sự khác biệt ở khu vực hoặc thứ hạng của đội bóng, đội tuyển thể thao đó. Vẫn có nhiều đội ở châu Âu không có chuyên gia dinh dưỡng riêng.

Sự khác biệt dễ thấy nhất, đó là tại châu Âu, họ làm quen với vấn đề dinh dưỡng, khoa học thể thao từ rất sớm. Vì vậy, các cầu thủ, vận động viên quen thuộc hơn với các khuyến nghị như bù nước, hồi phục, nạp năng lượng sau trận đấu,… và sự có mặt của các chuyên gia dinh dưỡng ở đội.

Còn ở Việt Nam, có thể do hạn chế về mặt nhân sự nên nhiều đội chưa có cán bộ chuyên về dinh dưỡng. Đôi khi các vận động viên hay những người quản lí trực tiếp về việc ăn uống của vận động viên (có thể là nhà bếp) vẫn chưa có nhiều khuyến nghị và hướng dẫn từ chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.

Tôi nghĩ sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để thể thao Việt Nam mới có và cảm thấy quen thuộc với sự xuất hiện của những chuyên gia dinh dưỡng.

Chị đánh giá thế nào về vai trò của dinh dưỡng trong thể thao? Nó có giữ một vị trí quan trọng trong thành tích của vận động viên, một tập thể hay xa hơn là cả một nền thể thao?

- Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong cả thể thao và đời sống. Với người bình thường, có một chế độ dinh dưỡng tốt thì sẽ tránh được những bệnh lí mãn tính không mong muốn.

Còn với riêng thể thao, chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ năng lượng sẽ giúp vận động viên có thể trạng tốt, tránh bệnh tật, tăng khả năng đề kháng miễn dịch.

Bên cạnh đó, dinh dưỡng còn liên quan trực tiếp đến hiệu suất tập luyện và thi đấu của vận động viên. Ví dụ, 1 trận thi đấu bóng đá 90 phút, có thể tiêu tốn khoảng 2500-3000 calo. Dĩ nhiên, con số này phụ thuộc vào vị trí thi đấu và mức độ áp lực từ trận đấu. Nhưng cầu thủ phải nạp vào cơ thể lượng năng lượng nhiều hơn để tích trữ đủ năng lượng thi đấu, hồi phục sau thi đấu, giảm chấn thương không đáng có.

Để đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng cho các vận động viên, bữa ăn của họ cần gì?

Thứ nhất, bữa ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng của vận động viên sẽ gồm 3 yếu tố chính.

Đầu tiên là Carbohydrate, đóng vai trò nạp năng lượng nhanh cho cơ thể. Tinh bột cũng là chất hấp thụ năng lượng nhanh chất, cung cấp và dự trữ năng lượng trực tiếp cho cơ.

Thứ hai là protein, có vai trò trực tiếp trong việc xây dựng khối cơ bắp của người.

Thứ ba là nhóm chất vitamin, chất khoáng. Nhóm chất này giúp các vận động viên có hệ miễn dịch tốt hơn, tăng đề kháng, chống chọi được vi khuẩn trong môi trường, từ đó ngăn ngừa được những bệnh lí không đáng có.

Một số thực phẩm có 3 nhóm chất trên là cơm, bún, phở, bánh mì, thịt gà (ức, lườn), thịt bò, trái cây giàu vitamin như dâu, việt quất, thanh long, xoài, đu đủ,…

Làm thế nào để các vận động viên thay đổi thói quen ăn uống, đảm bảo đáp ứng việc tập luyện, thi đấu?

- Để có thể thực hành tốt việc dinh dưỡng trong một tập thể, đội tuyển thể thao hoặc cá nhân vận động viên không phải chuyện khó. Tuy nhiên, việc thay đổi suy nghĩ về thói quen ăn uống mới cần nhiều thời gian.

Phương pháp tối ưu nhất có thể thực hiện ngay đó là giáo dục. Chỉ có việc giáo dục lâu dài thông qua báo chí, poster, workshop, hội thảo,… các vận động viên hay những người quản lí khẩu phần ăn của vận động viên (nhà bếp) mới có thể hiểu và cảm nhận được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong thể thao.

Cảm ơn chị!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn