MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trọng tài Tân (mặc áo số 9) trước khi đột quỵ hôm 2.4.

Từ cái chết của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân: Quy trình chết người nhưng VFF đánh giá “chỉ là sự cố đáng tiếc”?

THANH SƠN LDO | 12/04/2018 11:00
Gần một tuần sau cái chết của trọng tài 37 tuổi Dương Ngọc Tân để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ, người hâm mộ bóng đá cả nước vẫn chưa thấy bất kỳ bên nào nhận trách nhiệm, hoặc ít nhất đứng ra xin lỗi. Thái độ gần như vô cảm, đổ lỗi qua lại cho nhau của đơn vị liên quan như VFF, VPF, Ban trọng tài cho thấy nếu như không nghiêm khắc, kiểm điểm thì nỗi đau và cái chết vẫn đang chờ ở phía trước, không chỉ với trọng tài mà còn với cả những cầu thủ.

Sai quy trình - gây chết người, chỉ rút kinh nghiệm?

Trong bài báo ra ngày 9.4, báo Lao Động đã phân tích về cái chết của trọng tài này có nguyên nhân xuất phát từ “quy trình ngược”. Nghĩa là đáng lẽ các trọng tài phải được kiểm tra y tế một cách cặn kẽ, sau đó mới là kiểm tra thể lực. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, Ban trọng tài đã đồng ý với quy trình ngược là: Kiểm tra thực tế thể lực (ngày 2.4) sau đó mới kiểm tra sức khỏe (4.4)!

Báo Thanh Niên dẫn lời một giám sát: “Đã không có bất kỳ cuộc kiểm tra sức khỏe tại chỗ nào trước khi trọng tài kiểm tra thể lực. Đáng lẽ họ phải được đưa đến Bệnh viện Thể thao VN hoặc bệnh viện nào đó tại Hà Nội để khám, dưới sự kiểm soát của Ban trọng tài. Thay vào đó, VFF chỉ yêu cầu các trọng tài, trợ lý trọng tài tự khám tại địa phương rồi mang kết quả ra Hà Nội. Đây chính là sơ hở chết người. Ban tổ chức khóa học trọng tài hạng nhất năm nay đã làm ngược quy trình…”.

Vâng sơ hở chết người từ một quy trình ngược nhưng VFF lại chỉ cho rằng đó là “sự cố đáng tiếc”. Nói như Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh tại buổi trao đổi với báo chí hôm 9.4: “Việc có lỗ hổng nào không trong công tác kiểm tra sức khoẻ thì tôi không bình luận vì giấy khám sức khoẻ được các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp giấy phép” và “bày tỏ sự cảm thông với sự cố đáng tiếc vừa qua”.

Thực tế, cái “sơ hở chết người” này không chỉ cướp đi mạng sống của một trọng tài, mà là 3. Nhà báo thể thao lâu năm Đặng Tất Đạt thông tin: “Trong cuộc kiếm tra ấy, Tân ngã xuống cách đích 20m vì sốc do cố sức hoàn thành. Trước Tân, trọng tài Phúc đã được đưa đi cấp cứu và sống khỏe. Trước Tân, trọng tài Lê Khắc Thành của Bình Dương cũng đã được đưa lên xe cấp cứu nằm thở ôxy, chiếc xe ấy bị xẹp bánh phải đi bơm với Thành trên đó. Vậy nên, khi Tân ngã xuống, anh không được trợ giúp y tế tức thì. Anh được đưa đến viện bằng taxi, không đèn, không còi hụ. Nó di chuyển trên đường phố hỗn loạn ở Hà Nội như bất kỳ phương tiện nào khác”.

Thông tin này cho thấy trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm với mạng sống của những trọng tài trở nên xa vời với những người được gọi là “có trách nhiệm” ở VFF.

Chỉ lo giữ ghế

Trọng tài Dương Ngọc Tân đột quỵ, qua đời trong bối cảnh thượng tầng VFF và đơn vị tổ chức giải là VPF có nhiều xáo trộn. Đó là câu chuyện chạy ghế khi Đại hội VFF chuẩn bị diễn ra; đó là “cuộc chiến” giữa một bên là “phe” ông bầu Đoàn Nguyên Đức và “phe” đương kim Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú - người cũng đang vận động mạnh để tiến tới ngồi nốt ghế PCT VFF phụ trách tài chính.

Trước sức ép từ bầu Đức (dọa rút HAGL khỏi giải), ông Trần Anh Tú và phó tướng của mình là Trần Mạnh Hùng đã có một động thái được giới chuyên môn cho là “động tác giả”: Ông Tú xin từ chức tổng giám đốc nhưng lại được thành viên Hội đồng quản trị VFF “giữ lại”. Điều này, hiển nhiên ông bầu Đức (hiện vẫn là đương kim PTC VFF phụ trách tài chính) không thể hài lòng.

Giữa những cuộc đấu đá thượng tầng VFF, VPF lúc này, ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm về cái chết của trọng tài Dương Ngọc Tân?

Nhà báo Đặng Tất Đạt bức xúc: “Vì sao lại có lịch kiểm tra đầy sai trái theo kiểu kiểm tra chuyên môn trước, kiểm tra sức khỏe sau? Vì sao ở các giải đấu quốc tế, người ta tuân thủ quy định luôn phải có 2 xe y tế túc trực trên sân. Nếu một xe làm nhiệm vụ thì phải có xe khác thay thế. Thì ở buổi kiểm tra sức khỏe quan trọng của các trọng tài người ta lại tiết kiệm bằng cách cắt giảm, chỉ có một nhóm y tế?” và câu hỏi đau đáu nhất: “Vì sao, một sự vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đến thế này mà không thể chỉ ra được một ai chịu trách nhiệm?”.

Khi không xác định được trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu thì bóng đá có nguy cơ tụt lại so với mặt bằng xã hội.

Một quan chức ở Thanh Hóa bị cách chức vì “nâng đỡ không trong sáng” một hotgirl; một hiệu trưởng ở Long An bị cách chức xuống làm giáo viên vì để cho giáo viên mình quản lý phải quỳ trước phụ huynh; hàng loạt cán bộ hải quan ở Hải Phòng bị đình chỉ công tác vì “tham nhũng vặt”, nhận tiền bôi trơn từ doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan…

Xã hội đang chuyển động mạnh mẽ để đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực và nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì VFF như đang né tránh và ở trong cái ốc đảo riêng biệt của mình: Chuyện chết người nhưng chỉ coi là “sự cố” và không muốn đưa ra những cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Vậy thì, ai còn tin vào sự trung thực, chính trực của môn thể thao Vua do VFF điều hành, quản lý?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn