MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu lạc bộ Cần Thơ (trái) đang phải tìm nhà tài trợ mới để giải quyết vấn đề tài chính. Ảnh: CTFC

Từ chuyện nợ lương cầu thủ ở giải Hạng Nhất: Vì sao bóng đá Việt Nam "sống trong sợ hãi"

TAM NGUYÊN LDO | 13/09/2022 06:30
1 năm sau ngày Than Quảng Ninh giải thể, chuyện câu lạc bộ nợ lương cầu thủ lại đẩy bóng đá Việt Nam trở lại câu chuyện làm gì để tồn tại…

Từ V.League đến hạng Nhất…

1 năm trước, bóng đá Việt Nam tiếc nuối nhìn câu lạc bộ Than Quảng Ninh dừng hoạt động. Đó là hậu quả của việc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ngừng tài trợ thông qua quảng cáo cho đội bóng, Công ty cổ phần khai thác khoáng sản vàng Hà Giang không có đủ kinh phí để vận hành đội bóng.

Không phải chỉ là vài tháng, nhiều cầu thủ của đội bóng đất mỏ bị nợ lương, thưởng, lót tay trong khoảng gần 2 năm. Không còn cách nào khác, đội bóng phải giải thể, cầu thủ có người tìm bến đỗ mới, có người chuyển nghề. VFF không thể cấp phép cho Than Quảng Ninh dự V.League 2022 khi một loạt tiêu chí không đáp ứng được.

Thật trùng hợp, và cũng khá kỳ lạ, khi vào thời điểm mà người ta gợi lại câu chuyện của Than Quảng Ninh sau 1 năm thì cũng xuất hiện liên tiếp thông tin về 2 đội bóng cũng đang trong tình trạng nợ lương, thưởng và lót tay các cầu thủ.

Với câu lạc bộ Cần Thơ, khoản nợ lương là 2 tháng (hiện đã được thanh toán 1 tháng), cùng tiền thưởng cho 4 trận thắng kể từ đầu mùa. Với câu lạc bộ Phù Đổng, khoản nợ lương đã lên đến 5 tháng. Lãnh đạo các câu lạc bộ vẫn đang nỗ lực tìm cách giải quyết, nhưng hoàn toàn không dễ dàng với khoản kinh phí không hề nhỏ. Khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn, trong khi từng ngày, từng tháng vẫn trôi, kéo theo số nợ tăng dần.

Tài chính luôn là chủ đề nhạy cảm, nhưng việc các cầu thủ phải dùng mạng xã hội đề truyền tải thông điệp lên ban lãnh đạo - hoặc cũng có thể hiểu là một cách “cầu cứu”, thì vấn đề đã trở nên rất căng thẳng. Phía trước của 2 câu lạc bộ Cần Thơ và Phù Đổng ra sao thì chưa thể nói trước, nhưng có thể nói, tình cảnh chung các đội bóng trong nước, từ V.League cho đến hạng Nhất và các hạng dưới nữa luôn là “sống trong sợ hãi”.

Khi “ống thở” mang tên doanh nghiệp

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã phải chứng kiến không ít đội bóng phải giải thể. Từ Hòa Phát Hà Nội năm 2011, Hà Nội ACB, Navibank Sài Gòn, Khacoto Khánh Hòa năm 2012, Sài Gòn Xuân Thành, Kiên Long Bank Kiên Giang năm 2013, Hùng Vương An Giang năm 2014, Ninh Bình năm 2015. Cũng có những lý do khác nhau nhưng hầu hết liên quan đến yếu tố tài chính.

Từ lâu, câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp hay chưa đã được nói đến nhiều. Tất cả cùng nhìn thấy vấn đề lớn nhất là tự thân bóng đá Việt Nam chưa nuôi nổi chính mình nên buộc lòng phải phụ thuộc vào các đơn vị tài trợ. Cuộc sống buộc phải phụ thuộc vào ngoại lực.

Có thể dễ dàng nhận thấy, bóng đá có sự đồng hành của các doanh nghiệp và vì thế, câu lạc bộ, cầu thủ sẽ “sung túc”, ổn định nếu doanh nghiệp “khỏe”. Ngược lại, vì đội không có kết quả tốt, hoặc doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính, sự rút lui của họ được ví như “rút ống thở” vậy. Điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Sự có mặt của các nhà tài trợ luôn mang đến không khí hào hứng ban đầu, để rồi, khi nhận thấy vấn đề nội tại của bóng đá Việt Nam không thể giải quyết, việc đầu tư làm bóng đá không có lợi, sự ngãng ra là điều dễ hiểu. Việc tài trợ chỉ được thực hiện đến khi hết hợp đồng, thậm chí sớm hơn, với nhiều lý do có thể đưa ra.

Có những câu lạc bộ dưới trướng của các ông bầu tiềm lực mạnh thì cảm giác yên tâm hơn, nhưng việc nợ một vài tháng lương không phải là không có.

Với tình hình này, người ta biết rằng, Cần Thơ và Phù Đổng sẽ không phải là những đội bóng cuối ở Việt Nam rơi vào tình trạng đầy khó khăn thử thách như vậy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn