MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công Phượng và Văn Hậu đã học được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích khi được trải nghiệm môi trường bóng đá đỉnh cao ở Châu Âu. Ảnh: Minh Đức

Từ Công Phượng đến Đoàn Văn Hậu: Thất bại nhưng không phải thua cuộc

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 13/07/2020 07:43

Sang Châu Âu cùng kỳ vọng lớn lao, Công Phượng và Đoàn Văn Hậu đều không thể trụ lại lâu, tạo dựng chỗ đứng thật sự trong sự tiếc nuối của người hâm mộ.

Hôm 10.7, câu lạc bộ Hà Nội chính thức xác nhận việc gọi lại Đoàn Văn Hậu từ SC Heerenveen, sau 1 mùa giải cho mượn. 2 đội bóng không tìm được tiếng nói chung để tuyển thủ Việt Nam tiếp tục được chơi bóng tại Hà Lan.

24 phút của Công Phượng, Văn Hậu

Công Phượng khoác áo Sint Truidense từ tháng 7.2019 và  chỉ thi đấu đến hết giai đoạn lượt đi rồi từ tháng 1.2020 về khoác áo TPHCM thi đấu tại V.League 2010. Phượng thi đấu 20 phút cho đội bóng của Bỉ ở trận Sint Truidense thua 0-6 trước Club Brugge ở ngay vòng 2.

Văn Hậu đến với SC Heerenveen sau Công Phượng gần 2 tháng. Có những so sánh thời điểm đó, nhiều người cho rằng Công Phượng đến Bỉ vì lý do thương mại, còn Văn Hậu đến Châu Âu vì chuyên môn, thế nhưng rốt cuộc Văn Hậu cũng chỉ được ra sân có 4 phút ở Cúp Quốc gia. Với mức lương 450.000 euro (gần 11,8 tỉ đồng), mỗi phút ra sân của Văn Hậu quy đổi lên đến gần 3 tỉ đồng. Điều khoản mua đứt với giá 1,5 triệu euro cũng không được đội bóng Hà Lan kích hoạt, bởi họ không muốn mạo hiểm về mặt tài chính khi “đầu tư” vào Hậu. Tuyển thủ Việt Nam chỉ ở dạng tiềm năng, chưa phải ngôi sao có những đóng góp trực tiếp để họ đầu tư.

Cả Sint Truidense lẫn SC Heerenveen đều bày tỏ sự hối tiếc khi Công Phượng, Văn Hậu không gắn bó lâu hơn. Những lời nói mang nặng tính xã giao trên truyền thông đó, bản chất thì cũng chỉ khẳng định một điều, trình độ cầu thủ Việt Nam chưa đủ để đá chính, ra sân thường xuyên tại một câu lạc bộ hạng trung tại Châu Âu. Văn Hậu dù có thể hình, thể lực không kém cạnh cầu thủ Châu Âu, nhưng kỹ năng, tư duy chiến thuật và nhiều yếu tố khác chưa đủ để cạnh tranh sòng phẳng so với các đồng nghiệp.

Thất bại của người mở đường

Việc cả Công Phượng lẫn Văn Hậu dám thử thách bản thân là điều rất đáng trân trọng, với tư cách là những người tiên phong. Họ không sợ thất bại, dám chấp nhận khó khăn, thử thách để được trực tiếp trải nghiệm, học hỏi từ Châu Âu với tính cạnh tranh cao, quy tụ những cầu thủ giỏi nhất thế giới về thi đấu.

Giải vô địch quốc gia Bỉ, Hà Lan đều nằm trong Top 10 tại Châu Âu, chỉ dưới tầm 5 giải mạnh nhất (Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia và Pháp), vì thế những điều họ tích lũy được không cần bàn cãi. Trở lại Việt Nam đương nhiên là bước thụt lùi, thế nhưng với một cầu thủ chuyên nghiệp, đều quan trọng nhất vẫn được ra sân thi đấu.

“Tôi đã học hỏi được nhiều thứ, dù ít được ra sân. Bóng đá mang đến những trải nghiệm vì thế tôi sẽ đón nhận nó. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu, mọi thứ bây giờ dễ dàng hơn rất nhiều với tôi, bởi xung quanh có nhiều người giúp đỡ”, Công Phượng chia sẻ khi nhớ lại quãng thời gian ở Bỉ. Kinh nghiệm tại Châu Âu đã nâng cấp Phượng, khi khoác áo TPHCM. Tại V.League 2020, Công Phượng ghi đến 4 bàn, thực hiện 3 pha kiến tạo và từ đầu mùa có 7 lần sút tung lưới đối phương.

Với Văn Hậu ngay từ SEA Games 2019, huấn luyện viên Đặng Phương Nam đã nhận xét rằng: “Sự thay đổi, phát triển của Văn Hậu là rõ rệt với màn trình diễn vượt trội so với đối thủ”. Ở tuổi 21 và những gì thu nhận được, Văn Hậu vẫn còn cơ hội lớn để lại ra nước ngoài thi đấu và thành công ở một giải đấu khác trên tầm V.League.

Và bài học từ thất bại

Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội không thể đòi hỏi nhiều hơn từ Sint Truidense hay SC Heerenveen với những gì họ đã làm cho Công Phượng, Văn Hậu. Tại 2 đội bóng Châu Âu này, các tuyển thủ Việt Nam đã được ăn tập hằng ngày cùng cầu thủ đội 1, ngồi dự bị nhiều, thi đấu nhiều cho các đội trẻ, trải nghiệm đầy đủ ở môi trường bóng đá đỉnh cao.

Lãnh đạo đội bóng Thủ đô đã đề xuất việc hỗ trợ trả lương cho Văn Hậu, đổi lại SC Heerenveen phải “đưa ra lộ trình phát triển chuyên môn cụ thể cho Văn Hậu”. Sự hỗ trợ cho Văn Hậu là điều tốt. Tuy nhiên, việc dùng tiền để giúp cầu thủ kiếm cơ hội thi đấu là việc đi ngược với quy trình vận hành của bóng đá Châu Âu. Huấn luyện viên Marc Brys từng mâu thuẫn sâu sắc với việc các ông chủ Nhật Bản của Sint Truidense đưa về Công Phượng, bản hợp đồng mang nặng tính thương mại hơn chuyên môn. Ở Châu Âu, không có chuyện ép một huấn luyện viên dùng cầu thủ khi nhận tiền từ nhà tài trợ. Nếu vận hành theo điều đó, ông chủ Thái Lan của Leicester City có thể thoải mái đưa các cầu thủ Thái Lan vào đội hình đội vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2015-2016. Hay Peter Lim, chủ sở hữu Valencia, thừa sức để mang cầu thủ Singapore đến đối đầu với Messi ở La Liga.

Cái thiếu của Công Phượng, Văn Hậu để có thể trụ lại ở Châu Âu vẫn là khả năng và bài toán này chỉ các cầu thủ mới có thể giải chứ không thể giải quyết được bằng tiền. Các đội bóng Việt Nam cũng không nên lấy đó để đặt điều kiện khi cho cầu thủ xuất ngoại. Việc tốt nhất nên làm là định hướng để cầu thủ chọn được đội bóng phù hợp nhất khi ra nước ngoài thi đấu, với sự hiểu biết, chuẩn bị tốt nhất. Châu Âu rõ ràng vẫn quá tầm với các ngôi sao của tuyển Việt Nam, ở trình độ và đẳng cấp của một nền bóng đá đang phát triển. 

Công Phượng hay Văn Hậu, có lẽ cũng chỉ đơn giản là thêm những bài học nữa từ thất bại để chúng ta ý thức rõ hơn nữa về thực tế và không vỡ mộng do ảo tưởng.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn