MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vũ Tiến Dũng là một trong những vận động viên giàu kinh nghiệm của Pencak Silat Hà Nội cũng như đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Từ Đại hội thể thao toàn quốc: Đừng để vận động viên mất niềm tin

TAM NGUYÊN LDO | 23/12/2022 16:20

Nền thể thao Việt Nam sẽ ảnh bị hưởng tiêu cực nếu các vận động viên chưa đủ niềm tin vào sự công bằng và trong sáng. 

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 đã khép lại hôm 21.12 với Lễ bế mạc tại Nhà thi đấu tỉnh Quảng Ninh. Đại hội được đánh giá là thành công, tuy nhiên vẫn để lại những vết gợn.

Đã có những chuyện xảy ra ở một số môn thi đấu tại Đại hội gây nên sự bức xúc trong đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên. Mặc dù các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc – 4 năm một lần, là cơ hội để đánh giá các vận động viên và phát hiện các tài năng, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những hồ nghi về việc "chia huy chương".

Thành tích tập thể có thể đạt được nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân các vận động viên. 

Sau Đại hội thể thao toàn quốc 2022, 2 vận động viên Pencak Silat của Hà Nội đã quyết định giải nghệ vì cho rằng bị xử ép. Đó là vận động viên Vũ Tiến Dũng và Lê Hồng Quân. Họ chỉ nhận huy chương bạc nội dung biểu diễn tunggal nam và ganda nam.

Không chỉ có Tiến Dũng và Hồng Quân, Pencak Silat Hà Nội còn có 2 vận động viên nữ là Nguyễn Thị Mai Lan (hạng 55kg) và Hà Thị Phương (65kg) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ở các môn võ có nội dung biểu diễn như Pencak Silat, Wushu, việc chấm điểm dựa trên các quy chuẩn như thủ hình, bộ hình, thủ pháp, bộ pháp, thoái pháp, kình lực, phối hợp, tinh thần, nhịp điệu, phong cách… nhưng đâu đó vẫn có sự cảm tính trong mỗi trọng tài.

Báo Lao Động đặt ra vấn đề này, 2 vận động viên Tiến Dũng và Hồng Quân khẳng định, trên đấu trường quốc tế, trình độ của các vận động viên rất cao, tương đương nhau nên việc chấm điểm khó khăn và chuyện cảm tính là dễ hiểu. Tuy vậy, tại Đại hội thể thao toàn quốc vừa qua, bài biểu diễn của họ, cũng như 2 đồng đội nữ, có sự khác biệt và chênh lệch rõ rệt để không thể nói là cảm tính.

Là thành viên của đội tuyển quốc gia, Tiến Dũng (28 tuổi) và Hồng Quân (25 tuổi), nhiều năm kinh nghiệm thi đấu quốc tế, họ hiểu rõ và đánh giá được vấn đề trình độ của các vận động viên để hiểu vị thế của mình, tin tưởng vào bài thi của mình. Vậy nên, thất bại ở chung kết thực sự là một cú sốc.

Vũ Tiến Dũng (ngoài cùng bên trái) và Lê Hồng Quân (thứ hai từ phải sang) giành nhiều thành tích trên đấu trường trong nước và quốc tế cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến Dũng và Hồng Quân chia sẻ, dù đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp rơi vào tình cảnh này nhưng cũng đủ khiến tinh thần của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Dù đã kết thúc nội dung thi đấu tại Đại hội từ ngày 10.12, nhưng với họ, tâm trạng vẫn chưa thể trở lại.

Hồng Quân chia sẻ, ngoài việc không còn động lực tập luyện, thi đấu, việc trở thành huấn luyện viên cũng bị tác động khi bản thân đánh mất niềm tin. Không có tinh thần, niềm tin và cảm hứng, sẽ không thể truyền đạt được cho các thế hệ vận động viên sau này.

Thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây, nhưng không có sự đồng bộ mang tính hệ thống. Chính vì thế, nếu xảy ra những điều khiến vận động viên chưa "tâm phục khẩu phục" sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của cá nhân của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn