MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trọng tài Phúc Hoan. Ảnh: Phi Hải

Tự trọng của trọng tài

TRIẾT LONG LDO | 22/03/2021 10:01
V.League 2021 tiếp tục lăn bóng, đánh dấu sự trở lại của bóng đá Việt và ngay lập tức, trọng tài thành tiêu điểm với lá đơn kiến nghị về công tác trọng tài của đội TPHCM, 1 ngày sau phát ngôn trực diện gây sốc của huấn luyện viên Minh Đức về Vua sân cỏ, trong đúng ngày bế mạc lớp tập huấn trọng tài giải hạng Nhất với một điều đặc biệt: 2 trọng tài nữ vượt qua kiểm tra để lần đầu cầm cờ điều khiển các trận đấu của bóng đá nam…

Khi Vua sân cỏ bị chê “quá kém, phải cho đi học thêm…”

“Tôi nghĩ là mọi người cũng nhìn thấy ở trận đấu này, điều muốn chia sẻ nhất của tôi vẫn ở khâu trọng tài. Tôi thấy trên khán đài hô thay trọng tài, đây là những người biết xem bóng đá. Tôi thấy anh trọng tài này trình độ quá kém. Tôi thấy rất là buồn cười, và trọng tài Hoan này cũng đã nhiều phốt rồi.

Tình huống cầu thủ của tôi sút bóng, tất cả thấy thủ môn đẩy và xác định bị phạt góc, cuối cùng trọng tài không cho phạt góc. Cầu thủ tôi quay lại phản ứng, tôi biết Văn Sỹ nếu phản ứng lần nữa sẽ bị thẻ. Tôi thấy với một trọng tài như thế này thì phải cho đi học thêm. Và ở tình huống sau nữa, thủ môn Tuấn Mạnh nằm ra. Tôi thấy trọng tài có xem đồng hồ, không biết xem để làm cái gì? Bù giờ 3 phút, thủ môn nằm xuống rồi, bù giờ thêm 1 phút là 49, thế vì sao phải thổi phút 48? Nhìn đồng hồ làm cái gì, không giải quyết được vấn đề. Tôi thấy khâu trọng tài ngày hôm nay thôi, còn 2 đội thi đấu đều tốt, cống hiến cho khán giả xem…”.

Mọi người đều xem và băng hình có, xem lại xem trọng tài đúng hay sai. Đây là nói sau trận đấu, vấn đề để chia sẻ và kể cả trên thế giới, họp báo huấn luyện viên cũng được quyền nói. Anh thấy sai được quyền nói. Trọng tài cũng là liên quan đến trận đấu. Tất cả nhìn thấy vấn đề của trọng tài…”.

Đây, nguyên văn phát biểu của huấn luyện viên Phạm Minh Đức sau trận Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thua 0-1 trên sân của Đà Nẵng. Ông Đức không đổ lỗi cho thất bại, Hà Tĩnh thua bởi do chính mình và thẳng thắn “nếu ai xử thì xử, tôi không sợ bị xử và phải kiểm tra lại”.

“Trình độ quá kém” và “phải cho đi học thêm”, điều ông Đức nói quá phũ. Và đáng nói, đó là một trận đấu dễ, còn trọng tài Vũ Phúc Hoan thì 2 mùa giải trước khi được nhấc lên bắt V.League từng mắc nhiều lỗi, bị phản ứng và thậm chí còn bị đề xuất “treo còi vĩnh viễn” với lý do rất ác cảm “không có tâm, có đức”.

Lá đơn 5 gạch đầu dòng của TPHCM

Ngày 18.3, câu lạc bộ TPHCM gửi văn bản đến Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để kiến nghị để đưa ra phương án xử lý về 5 tình huống xử lý của trọng tài trong trận đấu thua Than Quảng Ninh 0-2. Đây là trận đấu do còi Vàng Việt Nam 2 năm liên tiếp 2019, 2020 Hoàng Ngọc Hà điều khiển và TPHCM bày tỏ sự không hài lòng. 4/5 tình huống đội bóng này liệt kê sau khi “mổ băng” liên quan đến nhận định việt vị của trợ lý trọng tài mà TPHCM cho rằng sai, cùng với phản ánh về pha bóng phạm lỗi cố tình của Văn Khoa cần phải phạt thẻ vàng thứ 2.

Khi phân tích băng ghi hình pha bóng Junior Barros băng xuống ở phút thứ 7, phút 40 khi Dario Silva lao theo bóng và bàn thắng bị từ chối của Dario ở phút 48 lúc tỷ số đang là 0-0, rất khó để phân định rạch ròi và đây đều là những tình huống phổ biến trong bóng đá thuộc diện nhạy cảm, dễ gây tranh cãi liên quan đến nhận định, và cũng có cơ sở để trọng tài biên phất cờ. Còn với tình huống cuối mà cầu thủ TPHCM phản ứng dữ dội, cả ngoại binh lẫn Lee Nguyễn khi tham gia vào pha nhận bóng đều đứng trên hậu vệ của Quảng Ninh nhưng vẫn bị bắt lỗi việt vị. Trong khi đó, với một số pha phạm lỗi cố tình, động tác thừa và tiểu xảo nhắm vào các ngoại binh của đội khách, thực tế là trọng tài có nương tay và “điều hòa” chứ không nghiêm khắc phạt thẻ để bảo vệ, tạo điều kiện cho cầu thủ chơi bóng như luật.

TPHCM chơi không tốt, không thể hiện được nhiều trong trận thua trên sân Cẩm Phả. 3 trận mới có 3 điểm, đội bóng được đầu tư lớn, kỳ vọng nhiều và đặt mục tiêu cao này chịu sức ép khi khởi đầu không tốt. Và lá đơn kiến nghị gửi đi, ở đây được hiểu như động thái đánh động để gây sức ép và đấu tranh để có lợi thế ở các trận đấu phía trước. Nó thực chất xuất phát từ định kiến và cả những hiểu biết về đặc thù của công tác trọng tài ở Việt Nam nên người trong cuộc phải hành động.

Và chuyện của “tự trọng nghề”

Tranh cãi với phản ứng là điều bình thường trong bóng đá, kể cả những sân chơi đỉnh cao với sự hỗ trợ của công nghệ VAR như giải Ngoại hạng Anh hay Champions League chứ chưa nói đến bóng đá Việt, vốn nhiều ác cảm với vết hằn về trọng tài.

Những ấm ức của huấn luyện viên Minh Đức rồi thành phát ngôn động chạm và có phần xúc phạm nghề nghiệp hay các tình huống liệt kê mà TPHCM cho rằng trọng tài sai rồi gửi văn bản chính thức tới VPF cùng VFF, ở V.League đã, đang và sẽ còn xuất hiện. Điều đáng buồn, khi bóng đá Việt Nam may mắn nhờ việc kiểm soát, phòng chống dịch tốt nên có thể sớm trở lại và tự hào được mang theo cả những trọng trách giữa mùa dịch, thế nhưng bên cạnh cái hay, cái đẹp cùng những khán đài đông kín đáng ước mơ với cả thế giới thì lại là những tranh cãi, phản ứng.

Vì sự văn minh, chuyên nghiệp và mong muốn nhiều thứ tốt đẹp hơn, từ năm trước VPF đã ban hành Quy chế phát ngôn để hạn chế thói quen cư xử nghiệp dư, những phản ứng với phát ngôn thái quá. Vậy nhưng để thay đổi thì có lẽ phải còn lâu nữa, và phải mong chờ vào ý thức cùng sự chung tay, đồng cảm từ nhiều phía bên cạnh việc trọng tài cũng như Ban tổ chức tự hoàn thiện hơn.

Hoặc ít nhất, trong điều kiện hiện tại của một nền bóng đá thì những phát biểu động chạm của ông Đức hay lá đơn của TPHCM sẽ động vào tự ái và tự trọng nghề của giới trọng tài Việt Nam, như mong muốn mà chính Ban trọng tài VFF thể hiện...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn