MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi sang Việt Nam, HLV Park Hang-seo phải “cầu viện” bác sĩ Choi để lo mảng y tế, chữa trị chấn thương. Ảnh: H.A

Từ Tuấn Anh, Đình Trọng, Văn Hậu... đến nỗi lo của y tế thể thao

HOÀI THU LDO | 11/09/2020 13:15

Văn Hậu là cái tên mới nhất gia nhập danh sách chấn thương ở Hà Nội. Chưa rõ mức độ nghiêm trọng và nguy cơ với tuyển thủ này, nhưng trước những “tấm gương” như Đình Trọng, Tuấn Anh, Văn Đức… lại ám ảnh.

Từ Tuấn Anh tới Đình Trọng…

Tháng 10.2016, cơn mưa đổ sập xuống sân Thống Nhất trước trận đấu giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CHDCND Triều Tiên đã đem theo một cơn mưa bàn thắng với 7 bàn thắng được ghi. Trong đó, các chàng trai áo đỏ có 5 pha lập công, 2 bàn còn lại thuộc về đội khách. Trong đó có một siêu phẩm cứa lòng của tiền vệ Tuấn Anh, người đang được đặt rất nhiều kỳ vọng ở AFF Cup 2016.

Với nhiều người, đó là trận đấu không có nhiều yếu tố chuyên môn để nói hay là một dấu mốc quan trọng, thế nhưng với Tuấn Anh thì có, khi trận đấu này khiến chấn thương ở gối trở nên nghiêm trọng hơn. Và nó khởi nguồn cho câu chuyện buồn đến khi tiền vệ tài hoa này phải bỏ lỡ AFF Cup 2016 và làm bạn với giường bệnh viện nhiều hơn sân bóng thời gian dài sau đó. Bởi lựa chọn và áp dụng sai phương pháp chữa, với sức ép đẩy nhanh việc chữa trị, tiền vệ này được tiêm thẳng vào gối và bị nặng thêm.

Lý do có thể được đưa ra rằng cơ địa Tuấn Anh yếu, vết thương tích tụ qua năm tháng, chế độ tập luyện chưa phù hợp…Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, y tế thể thao ở Việt Nam đang trở thành một câu chuyện buồn với thực trạng báo động mà cách đây 4 năm cả HLV trưởng Đội tuyển quốc gia lẫn HLV U.19 Việt Nam là Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn đều phải lên tiếng.

Câu chuyện của Tuấn Anh không phải là câu chuyện của duy nhất ở bóng đá, cầu thủ Việt Nam hay V.League phải vật lộn với chấn thương. Những Đặng Thanh Phương, Trịnh Quốc Hưng, Chương Thị Kiều… là ví dụ điển hình, hay mới nhất là trường hợp của Đình Trọng. Trung vệ này phải lên bàn mổ lần thứ 3 trong vòng 2 năm và chưa biết bao giờ trở lại. Sức ép thành tích, độ máu lửa, tinh thần dân tộc buộc Đình Trọng phải vào sân ở trận đấu sinh tử với Thái Lan. Điều đáng nói khi ấy, Đình Trọng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục: “Về Đình Trọng thì chúng tôi sẽ phải tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ và chờ thềm”, HLV Park Hang-seo chia sẻ trước trận đấu không lâu.

“Y tế thể thao Việt Nam sẽ còn yếu hơn nữa”

“Tôi lấy ví dụ trường hợp của ông Choi Ju-young ở giải U.23 Châu Á. Ông ấy đã cho Đình Trọng đá quá sớm, thế nên phía Hà Nội có thắc mắc cũng là đúng. Trên phim chụp thì 3 tháng nữa cầu thủ mới hồi phục, thế nhưng ông ấy vẫn vội để cầu thủ ra sân. Trường hợp của Kiều ở CLB nữ TPHCM không nguy hiểm, thế nhưng phải có băng, nẹp rồi về CLB điều trị”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (Trưởng phòng y học thể thao - Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn) chia sẻ về trường hợp của Đình Trọng và nhiều cầu thủ khác.

Bóng đá, thể thao là vậy, có những cầu thủ, vận động viên sẵn sàng nén đau để được thi đấu, để được vào sân. Nhưng nếu ở một nền y tế, y học thể thao chuyên nghiệp, họ sẽ có thêm những lời khuyên, can thiệp từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia để rủi ro nhỏ nhất. Và ở đó, tiếng nói của những người bác sĩ có trọng lượng và được tôn trọng. Còn ở Việt Nam, nó là một câu chuyện buồn mà ngay cả chính những người làm trong ngành, nghề lâu năm cũng phải lên tiếng thừa nhận. Có những đội bóng mãi mới có được một bác sĩ để phục vụ việc chăm sóc, lo lắng cho sức khỏe vận động viên. Nhưng ở đó, họ còn phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc không tên như một chăm sóc viên, hậu cần… Hay như việc, trong nhiều đội tuyển lẫn câu lạc bộ không có chức danh bác sĩ. Họ chỉ đóng vai trò là săn sóc viên, trợ lý huấn luyện viên. Ngay cả một chuyên ngành về y tế thể thao cũng không có. Hầu hết các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực này hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở bằng bác sĩ hay y sĩ chứ chưa chuyên về thể thao.

“Đó là cả vấn đề. Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 2 từ năm 1992 đến giờ mới tuyển được đúng một bác sĩ. Trung tâm 3, trung tâm 4 cũng ở tình trạng tương tự. không có bác sĩ, chỉ có y sinh ở các trường. Trong khi đó, ở đây có bác sĩ thì lại thiếu chỉ tiêu. Ở Nhổn, chúng tôi chỉ còn 12 bác sĩ, kỹ thuật viên, làm 17 - 18 năm vẫn chưa được vào biên chế, rất bấp bênh và còn không được chính danh” - bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ.

Sự đãi ngộ, tính chính danh hay cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu khiến những người làm y tế thể thao vốn đã ít sau này lại càng hiếm và yếu hơn. Với bác sĩ chữa trị cho bao thế hệ vận động viên lẫn cầu thủ bóng đá từ mấy chục năm nay như Nguyễn Trọng Hiền, nỗi lo ngày một hiển hiện hơn: “Lứa như chúng tôi nghỉ, chắc không có bác sĩ vào đây nữa. Như bác sĩ đội tuyển, suất viên chức mà còn không có người vào. Nếu không có phương án, sau này sợ không còn nhân sự nữa, càng ngày càng mất dần đi. Hiện tại y học thể thao là trong trạng thái nguy hiểm. Bây giờ yếu rồi, sau chắc chắn yếu hơn, không tốt lên được đâu”.

Nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn lần lượt phải ra nước ngoài để điều trị, phẫu thuật dứt điểm chấn thương. Nhưng họ không thể sang Singapore, Hàn Quốc… điều trị mãi được và không phải cầu thủ, vận động viên nào cũng có điều kiện để ra nước ngoài phẫu thuật hay điều trị, tập hồi phục. Họ sẽ phải quay về, lại đối diện với những may rủi, nguy cơ tiềm ẩn của một nền y tế thể thao yếu và thiếu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn