MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một runner người nước ngoài phải cấp cứu vì kiệt sức tại giải chạy núi Vietnam Mountain Marathon năm 2020 tại Sapa. Ảnh: Thế Lâm.

Từ vụ 21 runner tử vong ở Trung Quốc: Điều VĐV chạy núi sợ nhất là gì?

Thế Lâm LDO | 27/05/2021 13:12

Thảm họa 21 runner chạy núi cự ly siêu marathon 100km tử vong tại giải chạy Hoàng Hà Thạch Lâm Marathon 2021 thuộc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) đang đặt ra nhiều bài học: Bài học về thời tiết, bài học về an toàn trong công tác tổ chức, bài học về sự chủ quan của VĐV.

Nhiều thách thức liên quan tới sức khỏe

Sau tai nạn tại giải chạy Hoàng Hà Thạch Lâm ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) hôm 22.5, ngoài bài học về khắc phục những điểm yếu chết người tại các giải chạy núi cự ly dài và siêu dài (ultra mountain marathon), còn nổi lên những nỗi lo ngại khác của vận động viên chạy núi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Chạy núi cự ly dài luôn đầy thách thức. Mức độ thách thức trước hết là đối với sức khỏe, thể lực, sức bền và sự chịu đựng. Tùy theo từng cự ly bán marathon (21km), marathon (42km) hay siêu marathon (70km trở lên) và địa hình đường chạy, đặc điểm đường chạy, độ dốc… mà mức độ khó và thách thức cũng khác nhau.

Chị Tuyết Mai, một vận động viên (VĐV) đã tham gia một số giải chạy địa hình (trail marathon) và chạy núi (mountain marathon) tại Sapa, Mộc Châu, Đà Lạt… cho biết, tâm lý của người mới chạy vài giải là sợ lạc.

Chạy địa hình hay chạy núi nhiều khi phải xuyên qua rừng sâu, những cánh rừng nguyên sinh, nhiều lối mòn, khiến nhiều khi VĐV nhận diện nhầm. Đặc biệt, đối với các cự ly 42km trở lên, việc nhầm đường rất dễ khiến VĐV bị lạc trong đêm tối. VĐV nếu chỉ đi một mình rất dễ lo sợ và hoảng loạn, càng đi càng lạc xa hơn.

Chính vì thế, công tác tổ chức cần phải rất chu đáo, thường phải phân công người đứng trực (thường là người địa phương thông thuộc đường) để hướng dẫn VĐV. Đồng thời, VĐV cũng cần mang theo còi để báo động, điện thoại để gọi về BTC yêu cầu hỗ trợ.

Khi đi lạc thì đồ ăn nước uống cũng cạn dần, có thể bị đói trong một thể trạng đã bị bào mòn hoặc vắt kiệt sức lực, sẽ rất dễ xảy ra các sự cố nguy hiểm về sức khỏe.

Với VĐV chạy núi cự ly dài, đường chạy khó và hiểm trở là một nỗi lo ngại nhưng đa phần các runner cũng đã chuẩn bị trước tinh thần đối mặt với vấn đề này.

Mối nguy lớn nhất đe dọa tính mạng runner

Vấn đề đáng sợ hơn và thậm chí là mối nguy hiểm lớn nhất chính là thời tiết bất thường. Thời tiết bất thường nhiều khi ngoài dự báo và cũng ngoài dự liệu của BTC, khi nó xảy ra, ập đến với các runner đang trên đường chạy hiểm trở như leo núi cao, đổ dốc đứng, hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn té ngã gây chấn thương.

Như trong thảm họa 21 runner tử vong trong cùng một ngày diễn ra cự ly chạy núi 100km tại Trung Quốc, thời tiết bất thường đến mức nguy hiểm chính là dông lốc, mưa đá, nhiệt độ hạ thấp đột ngột khiến các VĐV bị hạ thân nhiệt nhanh, ngay cả áo khoác (thường là che mưa và chắn gió) và tấm giữ nhiệt chưa chắc đủ để chống chọi, dẫn đến tử vong vì mất thân nhiệt.

Chị Vân, một runner từng tham dự cự ly 42km mountain marathon tại Sapa năm 2019, kể lại: Sau khi hoàn thành khoản 85% quãng đường chạy, quãng đường 15% còn lại chị kiệt sức, thân nhiệt xuống nhanh rơi vào tình huống rất nguy hiểm. Rất may có một “đồng run” mang theo tấm giữ nhiệt đã cho chị mượn đồng thời dìu chị về đích, mãi 2h sáng chị mới về được tới khách sạn.

Bất kể những điều băn khoăn hay lo ngại, đáng sợ nhất khi ruuner tham gia một giải chạy marathon nói chung và giải chạy núi cự ly dài và siêu dài nói riêng, đó đều là những yếu tố liên quan mật thiết tới sức khỏe. Đặc biệt, yếu tố thời tiết bất thường và nguy hiểm có thể gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của VĐV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn