MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương. Ảnh: Minh Quân

Từ vụ việc Phạm Như Phương giải nghệ và chuyện quản lý vận động viên

HOÀI VIỆT LDO | 16/01/2024 09:20

Vận động viên Phạm Như Phương là một trường hợp điển hình liên quan đến chuyện huấn luyện viên hay vận động viên, người lao động thực hiện việc ra nước ngoài theo mục đích cá nhân nhưng không báo cáo đầy đủ bằng văn bản, giấy tờ xin phép đúng quy chế.

Phải hiểu quy định để tránh sai sót

Như Phương đã bày tỏ nguyện vọng ra nước ngoài (đi Mỹ) với huấn luyện viên phụ trách tại đơn vị chủ quản theo thời gian, kế hoạch của mình. Cô đã thực hiện chuyến đi vào cuối tháng 12.2023.

Như Phương cho biết, có trao đổi với huấn luyện viên phụ trách và chỉ nghĩ rằng huấn luyện viên phụ trách đồng ý thì xem như được chấp nhận được phép ra nước ngoài. Đồng thời, gia đình Như Phương có gửi bản cam kết việc ra nước ngoài của con em mình đến huấn luyện viên phụ trách.

Tuy vậy, các huấn luyện viên làm việc với Như Phương là ông Nguyễn Hà T, bà Nguyễn Thùy D cùng nhận thiếu sót là biết được nguyện vọng như vậy, gia đình vận động viên có bản cam kết, nhưng chưa báo cáo cấp quản lý môn thể dục tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội (đơn vị quản lý Như Phương).

Sau khi vận động viên đi nước ngoài, ban huấn luyện đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam không nhận được đơn xin phép của tuyển thủ để giải quyết, đồng thời chương trình đi nước ngoài của Như Phương diễn ra dài ngày, nên Cục Thể dục Thể thao không tập trung vận động viên này vào đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia năm 2024.

Ngày 9.1, sau cuộc làm việc cụ thể (trong đó có tham dự của Như Phương), bộ môn thể dục của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội đồng ý việc xin nghỉ của Như Phương cũng như thống nhất giao huấn luyện viên phụ trách phối hợp cùng vận động viên và gia đình hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc chấm dứt triệu tập tập huấn của thể thao Hà Nội với Phạm Như Phương.

Ở tuổi 20, Phạm Như Phương quyết định nghỉ thi đấu dù mình vẫn còn đam mê với môn thể thao. Như vậy, hơn 13 năm theo đuổi sự nghiệp thể dục dụng cụ của Như Phương đã dừng lại vì một lần đi nước ngoài mà không xin phép đúng các quy định.

Trong sự việc của Như Phương, đúng theo quy định thẩm quyền, kể cả khi huấn luyện viên trực tiếp gật đầu và không có văn bản báo cáo trình cấp quản lý có trách nhiệm xem xét, vận động viên cũng không được đi nước ngoài với bất kỳ lý do nào.

Vận động viên Phạm Như Phương (bìa phải). Ảnh: NVCC

Quy định luôn rất cụ thể

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đều có quy chế cụ thể đối với việc ra nước ngoài dành cho công chức, viên chức, người lao động khi xin phép ra nước ngoài. Đơn vị quản lý huấn luyện viên, vận động viên thể thao là Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội nắm rất rõ quy định này.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có quy định về việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực mình quản lý. Như Phương là tuyển thủ của đội thể dục dụng cụ quốc gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (thuộc Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên vận động viên là tài sản quốc gia do ngành văn hóa, thể thao, du lịch quản lý.

Câu chuyện sẽ không quá ầm ĩ nếu từng người trong sự việc (từ huấn luyện viên quản lý tại địa phương cho tới vận động viên) hiểu cặn kẽ, nắm rõ quy định các thủ tục xin phép ra nước ngoài với bất kỳ nguyên do nào. Mỗi đội tuyển thể thao quốc gia hoặc đội thể thao tại đơn vị địa phương đều thực hiện kỷ luật, quản lý chặt chẽ con người. Do vậy, việc đi nước ngoài nhưng không xin phép sẽ bị hình thức kỷ luật đã có quy định.

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội từng phải giải quyết sự việc người lao động do mình quản lý đã ra nước ngoài (Tây Ban Nha) mà không xin phép, sau đó có sự cố xảy ra. Sự việc trên đã là bài học kinh nghiệm để nhà quản lý luôn yêu cầu việc ra nước ngoài phải đúng quy định để tránh điều đáng tiếc.

Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM cũng ban hành Quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, người lao động tại Sở này và các đơn vị trực thuộc đi nước ngoài.

Quy chế ghi rất chi tiết đối tượng cùng nguyên tắc xét duyệt đi nước ngoài dành cho công chức, viên chức chính thức và tập sự, nhân viên hợp đồng, các huấn luyện viên, vận động viên và văn nghệ sĩ ký hợp đồng làm việc với sở và các đơn vị trực thuộc.

Quy chế đề ra quy định cụ thể ứng với từng trường hợp khác nhau trong việc đi nước ngoài đối với công tác hoặc việc riêng. Khi Quy chế trên ban hành, các đơn vị đã phổ biến đến từng cá nhân, tập thể do mình quản lý từ đó mỗi người nắm bắt được để thực hiện các thủ tục đúng và đủ mỗi khi chuẩn bị ra nước ngoài.

Phạm Như Phương đã thông tin với báo chí, với mỗi tấm huy chương mà nữ vận động viên này giành được, sau khi trừ 10% thuế thu nhập cá nhân thì cô phải nộp lại 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên Nguyễn Thùy D - 1 trong 2 người phụ trách trực tiếp của cô ở bộ môn Thể dục dụng cụ thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.

Theo Như Phương, chuyện "thu 10% tiền thưởng huy chương" đã diễn ra trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 2017 khi cô mới 11, 12 tuổi đến nay. Cô và gia đình luôn chuyển khoản trực tiếp cho huấn luyện viên trên.

Thậm chí, thời điểm Như Phương giành 4 tấm huy chương vàng (3 cá nhân, 1 đồng đội) ở giải thể dục dụng cụ vô địch quốc gia 2023, cô phải chuyển tiền huy chương và tiền thưởng nóng cho huấn luyện viên của mình với tỉ lệ 50%-50%. Trong khi đó, trước kia, mức chia này giữa vận động viên và huấn luyện viên là 70%-30%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn