MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuổi thơ nữ võ sĩ vô địch WBO Nguyễn Thị Thu Nhi qua lời kể của người cha

Lục Tùng LDO | 28/10/2021 18:57

An Giang - Nhà vô địch WBO Nguyễn Thị Thu Nhi là kết quả của chuyện tình giữa chàng trai người dân tộc Khmer nghèo với cô gái Sài Gòn. 

Chuyện tình của bố mẹ Thu Nhi

Căn nhà nhỏ nằm gần cuối hẻm 11, đường Lê Thánh Tôn, khóm 6, thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn – An Giang) mấy hôm nay trở nên náo nhiệt khi thông tin Thu Nhi - con ông Kim Thương đoạt đai vô địch WBO thế giới hạng minimum của nữ. Người đến chúc mừng, điện thoại chia vui... khiến cho căn nhà nhỏ trở nên náo nhiệt. Trong bầu không khí ấy, ông Chau Kim Thương đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện giữ kín trong lòng suốt 1/4 thế kỷ.

Ông Chau Kim Thương  tại ngôi nhà cuối hẻm 11, khóm 6, thị trấn Tri Tôn, nơi nhà vô địch WBO sinh ra và lớn lên. Ảnh: LT

“Thu Nhi là kết quả của mối tình giữa chàng trai người dân tộc Khmer nghèo với cô gái Sài Gòn” - ông Chau Kim Thương mở đầu câu chuyện.

Đầu thập niên 90, ông Chau Kim Thương lên Sài Gòn làm nghề phụ hồ để có tiền gửi về giúp mẹ nuôi đàn em nhỏ. Sự hiền lành, chất phác của chàng trai Khmer nghèo đã khiến cô gái Sài Gòn Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1971) bất chấp khó khăn để theo "chàng" về quê xây dựng gia đình.

Anh Kim Thương trò chuyện qua Zalo với con gái. Ảnh: LT

“Lúc đó chúng tôi sống tại căn nhà này và Thu Nhi chào đời vào năm 1996 ở nơi đây. Theo truyền thống, con gái người Khmer phải lấy họ Néang, nhưng vì quá thương vợ, và vợ tôi cũng quá thương tôi nên cả hai đồng lòng cho con lấy theo họ cha là Chau tên là Kim Nhi", ông Thương nhớ lại. 

Bà Sóc Pha và cháu gái trò chuyện qua Zalo. Ảnh: LT

Tuy nhiên, sau khi Kim Nhi ra đời, cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Sau nhiều lần rủ chồng quay trở lại Sài Gòn để lo cuộc sống lâu dài không được, bà Thủy đã bồng con gái một mình quay trở lại Sài Gòn. “Lúc đó tôi là trụ cột của gia đình gồm mẹ già (bà Néang Si sinh năm 1933) và đàn em nhỏ, không thể bỏ đi. Vợ chồng không hề ly dị hay bỏ nhau” - ông Thương nói về lý do không rời đi. 

Tri Tôn vẫn là chốn đi về

“Có lẽ giận chồng đã không về Sài Gòn chung sống và để tiện cho việc giấy tờ hộ khẩu mà chị Năm (vợ ông Kim Thương -PV) đã thay đổi họ con gái theo họ mẹ thành Nguyễn Thị Thu Nhi, nhưng trên thực tế tình cảm chị dành cho gia đình bên chồng vẫn như bát nước đầy” - bà Néang Sóc Pha (sinh năm 1970), em thứ út của ông Kim Thương chia sẻ. 

Ông Kim Thương chăm sóc mẹ già. Ảnh: LT

Lúc mới về Sài Gòn, khi Nhi còn nhỏ, những ngày lễ, Tết vẫn được mẹ đưa về thăm quê. Nhanh thì vài ba ngày, có khi ở cả tuần lễ. Nhưng khi Thu Nhi trưởng thành, nhiều khi cô tự về một mình. “Mỗi lần cháu về, hai cô cháu trò chuyện đến nửa đêm mới ngủ. Tết 2 năm trước, cháu về ở từ mùng 1 đến mùng 10 mới quay lại Sài Gòn” - bà Sóc Pha kể lại những lần Thu Nhi về thăm quê.

Theo bà Sóc Pha, ngay cả khi đã có được chút tiếng tăm trong làng võ, Thu Nhi vẫn rất bình dân, giản dị từ lối sống cho đến ăn uống. Thậm chí là việc trải chiếu ra nền nhà ngủ ngon lành cùng cô của mình. "Mỗi khi có giải thưởng, cháu báo tin và gửi ảnh về cho gia đình. Tôi mang ra tiệm phóng to ra treo khắp nhà" - bà Sóc Pha nói. 

Những lúc hay tin con về, ông Kim Thương - hiện đang sống tại xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) cũng quay về thăm hỏi, đưa con đi chơi và đãi nhiều món ăn quê nhà.

“Cháu đặc biệt rất thích các món ăn truyền thống của người Khmer. Mỗi lần hỏi: Con muốn ăn gì là y như rằng nhận được câu trả lời: Gà đốt, đu đủ đâm, bánh bò đường thốt nốt... Tiếc là gia cảnh khó khăn, cuộc đời ngang trái nên tôi chưa có điều kiện lo nhiều cho con", ông Kim Thương xúc động. 

Hiện đã bước sang tuổi 58, nhưng hàng ngày ông Kim Thương vẫn phải đẩy xe hủ tiếu gõ bán trong các phum sóc để nuôi thân. “Hôm cháu gọi Zalo báo đoạt chức vô địch, tôi mừng đến điếng cả người, phải mấy phút sau mới nói được rồi đi khoe khắp trong phum, sóc.

Lần này cháu về, tôi nhất định đưa cháu vô hồ Ô – Thum để đãi món gà đốt với đu đủ đâm", ” giọng ông Thương rung lên theo cảm xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn