MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trần Hà Vi từng giành huy chương vàng aerobic đơn nữ tại SEA Games 32. Ảnh: Thanh Vũ

Tuyển thủ aerobic dính doping, thêm bài học đắt giá của thể thao Việt Nam

HOÀI VIỆT LDO | 12/03/2024 16:06

Trường hợp tuyển thủ aerobic Việt Nam Trần Hà Vi có mẫu thử dương tính với chất cấm (doping) tại Giải aerobic vô địch châu Á 2023 là sự cố doping tiếp theo của thể thao Việt Nam.

Ảnh hưởng uy tín đáng kể

Tính theo thời gian, liên tiếp năm 2022 và 2023, thể thao chúng ta đã có tuyển thủ dính doping trong các giải quốc tế thi đấu chính thức nên rõ ràng ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam.

Năm 2022, thể thao Việt Nam đã có 5 trường hợp của đội tuyển điền kinh Việt Nam dính doping khi thi đấu SEA Games 31 trên sân nhà. Năm 2023, đội tuyển aerobic đã có một trường hợp dính doping tại Giải vô địch châu Á.

Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đã thông báo chính thức sự việc của tuyển thủ Trần Hà Vi kèm theo án phạt cấm thi đấu 24 tháng dành cho tuyển thủ này (án phạt chỉ kết thúc sau ngày 15.11.2025), thông báo chính thức từ ngày 6.3, và như vậy, dễ hiểu rằng khi có kết quả kiểm tra các mẫu thử, vận động viên đã được quyền giải trình theo đúng quy định.

Án phạt chỉ công bố khi tất cả các nội dung được hoàn tất, có sự chấp nhận của người trong cuộc, để công khai. Điều này tương tự với 5 trường hợp tuyển thủ điền kinh của Việt Nam về sự cố tại SEA Games 31.

Trước đó, thể thao Việt Nam từng không có hình ảnh đẹp do 4 tuyển thủ cử tạ gồm Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh dính doping trong các giải quốc tế tại giai đoạn năm 2018, 2019.

Từ đó, Liên đoàn Cử tạ thế giới đã giới hạn chúng ta về số vận động viên tham dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Do vậy, không ai muốn những vấn đề về doping sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động chung của thể thao Việt Nam lúc này.

Biện pháp nào

Theo lý giải của đại diện Liên đoàn Thể dục Việt Nam, nguyên nhân chính ở việc vận động viên Hà Vi dính doping là do tuyển thủ đã sử dụng thuốc điều trị viêm đường tiết niệu của bản thân mà không thông báo.

Tuyển thủ tự ý sử dụng thuốc chữa bệnh, sau đó khi mẫu thử được lấy kiểm tra, kết quả công bố dương tính với các chất cấm gồm hydrochlorothiazide, chlorothiazide, amiloride và sibutramine.

5 tuyển thủ điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 sau khi có kết quả mẫu thử dương tính với chất cấm thì đã giải trình nguyên do họ dính doping là vì sử dụng một loại thực phẩm chức năng ở giai đoạn chuẩn bị chuyên môn trước Đại hội.

Thực phẩm chức năng trên không phải loại được bác sĩ của đội tuyển thể thao quốc gia nắm bắt được. Sau những sự cố, lý giải vẫn luôn là do vô tình nên vận động viên bị dính chất cấm cũng như đã nắm bắt về các thành phần của sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng mà mình sử dụng nhưng không lường trước được việc mẫu thử dính doping.

Thể thao Việt Nam đã và đang thực hiện rất trọng điểm công tác phòng, chống doping. Trên hết, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam được yêu cầu phối hợp cùng các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ thực hiện nhiều lớp về phòng, chống doping để giới thiệu trực tiếp đến các vận động viên, huấn luyện viên.

Dẫu thế, đây chỉ là một trong những biện pháp của nhà quản lý, điều cần thiết nhất là từng vận động viên phải ý thức được việc sử dụng các thuốc, thực phẩm cho mình như thế nào cũng như luôn đề cao vấn đề sức khỏe để không xảy ra điều đáng tiếc.

Trong buổi làm việc cùng lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao ngày 20.2, Phó Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam Nguyễn Đoàn Sơn đã trao đổi rất cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống doping phù hợp với các quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu; triển khai tốt các hội đồng trong công tác phòng, chống doping...

Gần nhất, trong thời gian chuẩn bị SEA Games 32 và ASIAD 19 ở năm 2023, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã thực hiện các chương trình phổ cập nội dung mới nhất về phòng, chống doping cũng như thông báo các chất cấm mà Tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA gửi về các quốc gia đến các huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia.

Đồng thời, để được điều kiện tham dự ASIAD 19, từng vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam đã phải hoàn tất khóa học và thực hiện lấy chứng chỉ trực tuyến (online) trên hệ thống ADEL - Chứng chỉ ADEL (Anti-Doping Education and Learning Platform) của WADA. Từ đó để thấy, công tác cập nhật về các nội dung liên quan đến doping thực hiện khá đầy đủ. Chỉ đáng tiếc, vận động viên vẫn gặp sự cố không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn