MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên Hà Thị Linh. Ảnh: TTVN

Tuyển thủ Việt Nam dự Olympic 2024 đang nhận lương thế nào?

HOÀI VIỆT LDO | 11/06/2024 10:40

Thể thao Việt Nam đã có 11 tuyển thủ giành suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Lương, thu nhập của các gương mặt trọng điểm cũng là vấn đề nhận nhiều sự quan tâm.

"Mức lương 100 triệu đồng/tháng là mơ ước"

Đó là chia sẻ của cua-rơ Nguyễn Thị Thật trên truyền thông khi từng xuất hiện đồn đoán rằng tuyển thủ được mức lương này. Nguyễn Thị Thật đang thuộc đội xe đạp nữ An Giang làm chủ quản. Cô được tạo điều kiện để ra nước ngoài khoác áo đội đua nữ Israel-Premier Tech Roland, có thêm các cơ hội thi đấu.

Người trong làng xe đạp đường trường Việt Nam cho biết, nếu thường xuyên thi đấu ở nước ngoài thì mức lương khi tính tỉ giá ra tiền Việt Nam có thể được như vậy hoặc còn hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, ở các đội đua trong nước, không cua-rơ nào có mức lương cao như vậy.

Thể thao Việt Nam có 11 tuyển thủ đã đạt suất Olympic Paris (Pháp) 2024 gồm Nguyễn Thị Thật (An Giang, xe đạp), Võ Thị Kim Ánh (An Giang, boxing), Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Bình, bơi), Trịnh Thu Vinh (Công an Nhân dân, bắn súng), Lê Thị Mộng Tuyền (TP Hồ Chí Minh, bắn súng), Hà Thị Linh (Hà Nội, boxing), Nguyễn Thị Hương (canoeing, Vĩnh Phúc), Phạm Thị Huệ (Đà Nẵng, rowing), Nguyễn Thùy Linh (Đồng Nai, cầu lông), Lê Đức Phát (Quân đội, cầu lông), Trịnh Văn Vinh (Bắc Ninh, cử tạ).

Tất cả họ là tuyển thủ trọng điểm nên đang được hưởng chế độ dinh dưỡng cao nhất của thể thao Việt Nam là 640 nghìn đồng/người/ngày. Dù vậy, lương của tuyển thủ khi tập luyện, chuẩn bị thi đấu vẫn hưởng theo đúng quy định theo Nghị định 152 của Chính phủ là hưởng 270 nghìn đồng/người/ngày (tính theo số ngày thực tập luyện).

Về cơ bản, mức lương của tuyển thủ - dù đó là tuyển thủ Olympic - cũng chỉ trên dưới từ 7-8 triệu đồng/tháng/người. Tuy vậy, như Báo Lao Động từng đề cập, mỗi địa phương có những chế độ riêng dành cho vận động viên quan trọng của mình, đặc biệt là vận động viên Olympic. Với sự hỗ trợ này, tinh thần của tuyển thủ khi tập luyện, thi đấu được lên cao hơn.

Ngoài chế độ của đội tuyển hay của địa phương, một số tuyển thủ còn có thêm thu nhập nếu có các hợp đồng quảng cáo. Ở môn cầu lông, tuyển thủ Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát đang có hợp đồng quảng cáo từ một số nhãn hiệu sản xuất đồ thể thao.

Tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh. Ảnh: Thanh Vũ

Cần chế độ phù hợp

Tay đấm Hà Thị Linh đang là tuyển thủ Olympic duy nhất của thể thao Việt Nam được chế độ hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng và kéo dài trong 48 tháng (4 năm) khi đạt được kết quả là giành suất chính thức Olympic Paris (Pháp) 2024. Chế độ trên có được do Linh được hưởng từ đơn vị chủ quản Hà Nội. Ngoài Hà Nội, các đơn vị mà có những tuyển thủ đã giành được suất Olympic Paris (Pháp) 2024 (như kể trên) chưa ban hành chế độ hỗ trợ đối với người đạt được suất Olympic.

Lúc này, trong Nghị định 152 của Chính phủ Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu (ban hành năm 2018), quy định về chế độ hoặc thưởng đối với kết quả đạt suất Olympic là không có.

“Chúng tôi rất tin tưởng với chế độ mới được áp dụng từ năm 2024, vận động viên thể thao Hà Nội sẽ có được sự hỗ trợ tốt nhất để đảm bảo tốt tinh thần và chuyên môn khi tập luyện, thi đấu. Đấu trường Olympic là rất quan trọng nhưng phải vượt qua vòng loại Olympic thì mới được dự Thế vận hội.

Chúng tôi đánh giá kết quả tại vòng loại Olympic có ý nghĩa quan trọng không kém khi thi đấu chính thức. Em Hà Thị Linh là tuyển thủ đầu tiên được chế độ hỗ trợ này”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài trao đổi khi có mặt đón tuyển thủ Hà Thị Linh trở về Việt Nam từ giải vòng loại Olympic vào ngày 3.6 vừa qua.

Lúc này, ở cấp độ quốc gia, thể thao Việt Nam đang tập trung đào tạo huấn luyện khoảng 2.500 vận động viên (khoảng 1.400 vận động viên đội tuyển, 1.100 vận động viên trẻ) theo các nội dung, các đội thể thao. Chúng ta chỉ phấn đấu mục tiêu rất gọn nhẹ là giành từ 12 đến 15 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Chính thế, bài toán cho thấy để giành được suất Olympic là không dễ với thể thao Việt Nam dù chúng ta có lực lượng vận động viên dồi dào. Thể thao Việt Nam đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo huấn luyện có mục tiêu trọng tâm đối với đấu trường ASIAD, Olympic.

Mục tiêu chuyên môn hướng đến là điều cần thiết nhưng việc xây dựng một chế độ đặc thù cho tuyển thủ trọng điểm ở từng đấu trường này là cấp thiết. Thể thao là lĩnh vực chuyên biệt, có đặc thù nghề nghiệp. Chính vậy, nhà quản lý Cục Thể dục - Thể thao phải tính toán rất kỹ khi xây dựng các cơ chế chính sách về thu nhập cho huấn luyện viên, vận động viên để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm có những thay đổi tích cực trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn