MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự tập trung là điều rất cần thiết với U22 Việt Nam, dù được đánh giá cao hơn U22 Lào. Ảnh: Thanh Vũ

U22 Việt Nam - U22 Lào Giải bài toán tâm lí

TAM NGUYÊN LDO | 29/04/2023 06:49

Gặp U22 Lào không có nghĩa là U22 Việt Nam được phép chủ quan.

Trận đấu chính thức đầu tiên

Cuối tuần này (19h00 ngày 30.4), U22 Việt Nam chính thức ra quân tại SEA Games 32, bắt đầu hành trình bảo vệ tấm Huy chương Vàng đã giành được năm 2019 và bảo vệ thành công năm 2021. Nhưng đây cũng có thể coi là một hành trình mới. Một hành trình chinh phục…

Trên ghế huấn luyện viên không còn là Park Hang-seo nữa. Philippe Troussier là người kế nhiệm. Trên đường bước ra sân, dàn cầu thủ trẻ hiện tại sẽ không còn điểm tựa là các đàn anh như Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tiến Linh hay Nguyễn Hoàng Đức nữa. Họ sẽ phải tự mình chiến đấu, bảo vệ và chinh phục.

Có một điều thú vị, cũng bởi SEA Games 31 bị lùi lại 1 năm - tổ chức vào tháng 5 năm ngoái, nên thời điểm này, trong đội hình U22 Việt Nam mà huấn luyện viên Troussier lựa chọn vẫn còn 7 cầu thủ trong đội hình vô địch. Họ, trên khía cạnh nào đó, sẽ có nghĩa vụ dìu dắt đồng đội trong nhiệm vụ được đánh giá là rất nhiều khó khăn trên đất Campuchia.

2 tháng kể từ khi bắt đầu làm nhiệm vụ, gặp U22 Lào là trận đấu chính thức đầu tiên của huấn luyện viên người Pháp với U22 Việt Nam. 

Trước đó, Troussier đã cùng U23 - thành phần chủ yếu là U22 hiện tại, tham dự giải giao hữu Doha Cup. Trong đợt tập trung thứ hai trước SEA Games 32, đội có thêm 2 trận giao hữu khác.

Kết quả toàn thua đang đẩy Troussier và các học trò vào những áp lực vô cùng lớn. Bản thân các cầu thủ chia sẻ rằng, trước những hoài nghi và chê trách của truyền thông, người hâm mộ, họ thực sự buồn. Mặc dù chiến lược gia 68 tuổi vẫn động viên và nhấn mạnh việc “nên thoải mái và thả lỏng”, nhưng ai cũng hiểu, sẽ thực sự khó để làm được điều đó nếu không “tháo được nút thắt”.

Nút thắt đó chính là một trận thắng. Nhìn từ lịch thi đấu, có lẽ có một chút may mắn với U22 Việt Nam khi mở màn bằng trận đấu với U22 Lào thay vì U22 Thái Lan hay U22 Malaysia. Vấn đề ở đây không phải chuyện sợ hay e ngại đối thủ mà là khi U22 Việt Nam đang trong trạng thái thấp điểm về tâm lí, tinh thần cũng như phong độ, rất cần bước đi đầu tiên phải thật chắc chắn.

Không chủ quan

Nhưng nói vậy không có nghĩa là Khuất Văn Khang cùng các đồng đội được phép đánh giá thấp U22 Lào. Từ nội tại của U22 Việt Nam, phong độ và sự gắn kết giữa các cầu thủ thế nào vẫn đang là dấu hỏi với giới chuyên môn. Có thể sở hữu dàn cầu thủ chất lượng hơn nhưng khi bóng đá là chuyện của tập thể và sự gắn kết của nó, U22 Việt Nam thậm chí sẽ phải chấp nhận đặt mình ở “cửa dưới”.

“Cửa dưới” không có nghĩa là yếu. 

Ngược lại, hãy thận trọng với điểm bắt đầu, bởi nó luôn khó khăn ở mọi giải đấu, trên mọi khía cạnh, từ tâm lí đến chuyên môn. Ở trạng thái bình thường, 3 điểm dĩ nhiên được hiểu là sẽ dành cho U22 Việt Nam, không những vậy còn là một trận thắng đậm.

Lúc này, “3 điểm” trở thành mục tiêu phải đạt được và “thắng đậm” trở thành áp lực. Vì câu chuyện hiệu số phụ có thể sẽ phải “để dành” cho phần sau cùng của vòng bảng. Tất nhiên, khi đã chung bảng U22 Thái Lan, mối lo không phải là chuyện lo tránh đối thủ ở bán kết, nhưng việc hoàn tất mọi nhiệm vụ cùng lúc, rất có thể, sẽ kéo theo sự rối loạn. Để không biết bắt đầu từ đâu, không biết giải quyết thế nào.

Với U22 Việt Nam là vậy, nhìn sang U22 Lào, họ cũng có sự tiến bộ nhất định trong thời gian qua. Cũng như Campuchia hay Timor-Leste, bóng đá Lào tập trung vào bóng đá trẻ từ vài năm trước để có những thể hiện khá tốt khi gặp các đội mạnh.

U22 Lào đã có thời gian tập huấn ở Saudi Arabia trước SEA Games 32 và đáng chú ý, trong tay huấn luyện viên Michael Weiss có 3 cầu thủ trở về từ Mỹ và châu Âu, cùng 2 nhân tố gốc Việt. Do đó, trận đấu trên sân Visakha hẳn nhiên được mong chờ rất nhiều…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn