MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huấn luyện viên Park Hang-seo ấn tượng với phong cách trình bày của báo Lao Động. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

U.23 Việt Nam và “nghệ thuật quản trị” của HLV Park Hang-seo

SONG AN LDO | 26/01/2018 07:00

Không còn là một ông Park Hang-SON (may mắn) theo cách chơi chữ thú vị sau những trận đầu tiên. Cũng không phải là ông Park Hang-SALE (bán hàng). Giờ đây bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể gọi tên ông một cách đầy đủ Park Hang-seo với những kỳ tích cùng đội U.23 Việt Nam. Thành công của đội bóng có dấu ấn đặc biệt của HLV đến từ Hàn Quốc, trong đó không thể không nhắc đến “nghệ thuật quản trị” mà Park Hang-seo đã dùng để vận hành đội bóng.

Kế thừa

Khi đến Việt Nam, quan điểm của Park Hang-seo rất rõ ràng, ông không muốn nhanh chóng chứng minh bằng cách dỡ bỏ hoàn toàn đội tuyển để xây dựng một đội tuyển mới theo ý mình. Chỉ qua những trận đấu, ông Park mới dần đưa vào đội tuyển những triết lý bóng đá của mình, thứ triết lý mà chính ông cũng đã từng học hỏi từ Guus Hiddink - khi còn làm trợ lý cho ông này ở Tuyển Hàn Quốc, từng đoạt hạng 4 World Cup.

Ở những trận đấu dưới thời Park Hang-seo, có thể cảm nhận rõ tính kỷ luật được rèn rũa thời Miura, lối chơi tấn công bóng ngắn, trung bình được luân chuyển nhanh thời HLV Hữu Thắng, Mai Đức Chung. Thậm chí có chuyên ra chỉ ra rằng, cách vận hành đội tuyển của ông Park gần với Hữu Thắng nhất, nhất là khi so sánh trận U.23 Việt Nam - U.23 Indonesia và những trận đấu của U.23 thời ông Park rất tương đồng.

Tôn trọng những người đi trước đã được ông Park nói ngay trong lễ ra mắt hồi tháng 10.2017: “Bóng đá theo phong cách Park Hang-Seo sẽ được kết hợp những cái sẵn có và những điều mới mẻ. Tôi luôn cho rằng việc thúc đẩy phát triển đào tạo trẻ là quan trọng”.

Hình ảnh nhà lãnh đạo

Câu hỏi trong quản trị đối với những người ở cương vị cao là: “Làm ông chủ hay làm nhà lãnh đạo?”. Mỗi lựa chọn có thể mang đến những thành công khác nhau.

Khái niệm ông chủ hay nhà lãnh đạo từng được bàn thảo nhiều. Cụ thể: Mục tiêu của ông chủ là đảm bảo mọi thứ được hoàn thành, còn mục tiêu của lãnh đạo không chỉ có thế. Họ giao quyền và tạo động lực cho cả nhóm. Lãnh đạo thực sự không chỉ chỉ ra cái gì sai, mà họ còn làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Ông chủ luôn là trung tâm của sự chú ý, còn lãnh đạo luôn là người bước sau cùng và mang tới những điều tốt đẹp nhất cho nhóm.

Nhiều HLV trên thế giới vận hành đội bóng theo kiểu ông chủ, cũng có một vài thành công. Thế nhưng Park Hang-seo cho thấy, ông là “nhà lãnh đạo” đội bóng.

Biểu hiện đầu tiên, Park cho thấy ông là một HLV rất thân thiện. Hình ảnh ông Park vui mừng bên các cầu thủ, thăm hỏi, chăm chút những cầu thủ bị chấn thương sau trận đấu không phải hiếm gặp. Chính các cầu thủ cũng nhận xét rằng: “HLV Park Hang-seo dạy học trò bằng sự tận tụy, nghiêm khắc và tình thương của một người cha”.

Thế nhưng, yếu tố để tạo ra một nhà lãnh đạo, đó là khả năng truyền lửa, truyền cảm hứng, giúp những người xung quanh vượt qua khó khăn. Khả năng truyền cảm hứng là một yếu tố quyết định thành công, nhất là khi đội bóng đang gặp khó khăn.

Người phiên dịch của ông Park - anh Lê Huy Khoa - kể lại rằng: “Hết hiệp 1 khi đã bị dẫn, trong phòng thay đồ, thấy cầu thủ của mình xuống tinh thần, HLV Park đã quát lên: “Việc gì phải mất tự tin đến thế hả?” - Anh Khoa cũng phải hét thật to, đúng như thái độ của ông Park. Lập tức các cầu thủ như tỉnh lại, họ động viên nhau để rồi chiến thắng. “Ông già là niềm cảm hứng vô tận cho cầu thủ, là người truyền lửa bất tận và là một lão chiến tướng cực kỳ kinh nghiệm”- trợ lý ngôn ngữ đội tuyển U.23 Lê Huy Khoa nhận xét.

Chính việc biết truyền cảm hứng đúng lúc, đúng thời điểm của nhà lãnh đạo đã kích thích người lao động, kích thích niềm hứng khởi trong công việc của mỗi nhân viên, tạo nên nguồn năng lượng dồi dào, phát huy hiệu quả lao động. Park Hang-seo đã làm điều này quá tốt.

Nhà lãnh đạo không chỉ thân thiện, tạo ra sự tôn trọng, là người truyền cảm hứng mà còn phải là người có tư duy dài dạn nhưng cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể.

Khi mới đến Việt Nam, ông Park Hang-seo đã tuyên bố đưa Tuyển Việt Nam vào top 100 FIFA trong vòng 2 năm, thì nhiều người cho rằng đó là phi thực tế bởi Việt Nam từng đứng ở vị trí 94, không những thế, bảng xếp hạng FIFA vốn không nói lên quá nhiều điều. Thế nhưng với ông Park, mục tiêu này phải đúng với thực tế, nằm trong khả năng và nó thể hiện đúng năng lực thực sự của đội tuyển.

HLV ĐT U.23 Việt Nam Park Hang-seo. Ảnh: PV

Ê kíp

Một cá nhân đơn lẻ dù có xuất sắc đến cỡ nào cũng không thể đi đến thành công nếu thiếu một ê kíp, những người trợ tá đắc lực.

Bill Gates của Microsoft có Steve Ballmer, Steve Jobs của Apple có Tim Cook, Mark Zuckerberg của Facebook có Sheryl Sandberg, Jack Ma của Alibaba có Joe Tsai còn Park Hang-seo có Gede - vị GĐKT người Đức. Sẽ không quá khi nói rằng một trong những thất bại của U.23 Việt Nam tại SEA Games hồi giữa năm chính là việc Hữu Thắng không dùng Gede. Park thì khác, với ông Gede không chỉ là người giúp việc phân tích đối thủ, đưa ra các phương án với từng đối thủ. Những phân tích thầm lặng của Gede đã giúp Park Hang-seo đưa ra đấu pháp hợp lý.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cho rằng trong các trận đấu những trợ lý Lư Đình Tuấn và Nguyễn Đức Cảnh, anh Tuấn Long đều đã khản tiếng sau trận đấu này vì hò hét chỉ đạo. “Hai anh đã phải làm việc cật lực từ trận đầu tiên đến nay. Tôi cảm thấy chạnh lòng khi mọi người chỉ nhắc đến một vài cá nhân trong đội tuyển, mà ít nói đến các anh” - anh Khoa viết: “Đội ngũ bác sĩ Thủy, Giáp, Minh đêm nào cũng 11h và có lẽ cũng không còn ai nhiệt tình hơn họ nữa”.

Rõ ràng Park Hang-seo đã quy tụ một ê kíp mạnh, tất cả vì thành công của tập thể, không vì thành tích cá nhân.

Dùng người

“Dụng nhân như dụng mộc”, cũng là những con bài quen thuộc nhưng Park Hang-seo đã tìm cách sử dụng từng cầu thủ, sắp đặt họ đúng chỗ để mỗi cầu thủ phát huy hết khả năng.

Đầu tiên có thể kể đến xoay chuyển, hoán đổi các vị trí mà ông Park thực hiện ở Giải M-150. Tại U.23 Châu Á, dấu ấn này càng đặc biệt khi ông Park Hang-seo đã có sự thay đổi nhân sự rất hài hòa và phát huy tối đa tố chất từng cầu thủ.

Chẳng hạn, 3 trận vòng bảng, Phan Văn Đức là quân bài dự bị nhưng khi vào vòng trực tiếp, chính Đức là một trong những “kép chính”, thi đấu lăn xả, trở thành chốt chặn quan trọng. Trường hợp khác là việc đưa Đức Chinh vào thay Công Phượng ở trận gặp U.23 Iraq, đặc biệt là đưa Hồng Duy vào trận đấu với U.23 Qatar đã thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu.

Ngoài ra, còn là cách sắp xếp đá penalty. Thứ tự đá penalty ở mỗi trận mỗi khác và ở trận bán kết với Qatar, hình ảnh Văn Thanh sau khi đá quả phạt đền quyết định đã khoanh tay trở thành một biểu tượng của tinh thần sắt thép không nao núng của các cầu thủ U.23 trong lúc khó khăn.

Và một điều đặc biệt khác, nhận thấy rõ trong cách vận hành U.23 Việt Nam của Park Hang-seo đó là triết lý: Tập thể phải là trên hết, không cầu thủ nào được phép cho mình là trung tâm, không thành viên nào của đội bóng chứng tỏ mình có thể ảnh hưởng tới trận đấu, một người vì mọi người.

Park Hang-seo không phải là vị thánh, ông cũng có những lúc rất con người (như quay mặt không dám xem loạt penalty ở trận đấu với U.23 Iraq), có những lúc rơi nước mắt vì xúc động, nhưng những điều mà Park Hang-seo mang lại không chỉ dừng lại ở câu chuyện bóng đá.

Quản trị tốt sẽ mang lại thành công, đó là chân lý và nghệ thuật quản trị đã được Park Hang-seo sử dụng, hiệu quả ở một tầm cao mới, đáng để học hỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn