MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí thủ môn ở U22 Việt Nam vẫn khiến HLV Hữu Thắng lo lắng. Ảnh: Minh Tùng

Vấn đề của U22 Việt Nam: Ám ảnh “đốt đền” nên phải “cầu Trời”

GIANG ANH LDO | 14/08/2017 08:01

Trong các tuyến của U22 Việt Nam, HLV Hữu Thắng lo nhất là thủ môn. Trong những vấn đề của U22 Việt Nam, lo và ám ảnh nhất là “ác mộng” mang tên “những người gác đền và… đốt đền”.

Những “cơn ác mộng” không dứt

Cho đến tận bây giờ, gần 10 năm sau chiến công lần đầu tiên trong lịch sử vô địch Đông Nam Á ở AFF Cup 2008, khi nhắc lại vẫn có những tranh cãi về việc ai xứng đáng hơn, giữa thủ môn Dương Hồng Sơn và trung vệ Như Thành.

Thành “kếu” với màn trình diễn cực kỳ thuyết phục từ vòng knock-out, với nhiều đồng đội lẫn giới cầu thủ, xứng đáng là cầu thủ xuất sắc nhất của ĐT Việt Nam và nhận danh hiệu Quả bóng Vàng. Tuy nhiên, những lá phiếu bầu chọn của các nhà chuyên môn lẫn nhà báo, lựa chọn Là Dương Hồng Sơn.

Số đông chọn Sơn “miền núi”, bởi giá trị và đóng góp quá rõ ràng của thủ thành này trong chức vô địch của ĐT Việt Nam. Sơn cũng được lựa chọn bởi các lá phiếu của Tiểu ban kỹ thuật AFF, BTC giải nhờ sự an toàn, những pha cứu thua xuất sắc trực tiếp góp công vào các chiến thắng của ĐT Việt Nam. Sơn được vinh danh, bởi cái khó và tầm quan trọng của vị trí thủ môn chứ không hẳn là hơn Như Thành khi so đọ về chuyên môn, cống hiến hay tầm ảnh hưởng…

Nhắc lại câu chuyện về cuộc đua ngày nào giữa Hồng Sơn và Như Thành để nhấn mạnh đến tính chất, tầm quan trọng của vị trí thủ môn – “một nửa đội bóng”.

Với bóng đá Việt Nam, từ bao năm nay thì đó là vị trí đặc biệt nhất. Bởi tính ra, từ 20 năm nay thì gần như năm nào, giải đấu khu vực nào từ Tiger Cup, AFF Cup đến SEA Games, các thủ môn cũng đều bị nhắc tên khi liên quan đến những sai sót. Chỉ duy nhất Dương Hồng Sơn là khác biệt và có thể nói là may mắn, khi mắc sai lầm nhưng rồi có thể đứng dậy, sửa sai và thành người hùng.

Vòng bảng AFF Cup 2008 rất đáng thất vọng, Sơn cũng là một trong những nỗi thất vọng. Trận thua Thái Lan 0-2 ngày ra quân, Sơn chính là người mắc lỗi. Và lỗi lầm dẫn đến những bàn thua kéo theo sự suy sụp, tác động đến cả hệ thống như thế, lâu nay là một vấn nạn của thủ môn Việt Nam.

Thủ môn Tiến Anh ở chung kết Tiger Cup 1998, Minh Quang ở Tiger Cup 2004, Thế Anh ở SEA Games 2003 hay Tấn Trường ở chung kết SEA Games 2009, bán kết AFF Cup 2010 với Malaysia… là những ví dụ kinh điển. Tính ra trong khoảng 10 năm trở lại đây, không giải đấu nào ở khu vực Đông Nam Á là không có “dấu ấn” của những người “gác đền”.

Gần nhất, đó là 2 sai lầm “chết người” của Nguyên Mạnh trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 với Indonesia  khiến thủ thành này mất luôn chỗ ở ĐTQG: Một là pha phán đoán sai, không chạm tay vào bóng khiến Đình Đồng giật mình, bị động rồi đá phản. Hai là pha trả đũa, đạp vào lưng đối thủ dẫn đến tấm thẻ đỏ và ĐT Việt Nam thua trong hiệp phụ trong thế 10 chống 11 dù vẫn thắng 2-1 trong 90 phút.

Những sai lầm không thể tin nổi và tha thứ, nhất là ở trận bán kết lượt về với Malaysia tại Mỹ Đình AFF Cup 2014 cũng là Nguyên Mạnh sai số, bên cạnh những sai số của các đồng đội ở hang thủ rồi thua không tưởng 2-4.

SEA Games 2001 mà thầy trò HLV Falko Goetz dừng chân ở bán kết rồi thua thảm trận tranh HCĐ, sự bất ổn của Bửu Ngọc lẫn Tuấn Mạnh là hạn chế lớn nhất của U23 Việt Nam. Đến SEA Games 2013 mà lần đầu tiên Việt Nam không qua nổi vòng bảng kể từ khi hội nhập trở lại với khu vực, trận thua mang tính quyết định 0-1 trước Singapore có lỗi của Bửu Ngọc.

Còn SEA Games 2015 mà U23 Việt Nam dừng bước ở bán kết trước Myanmar với quá nhiều phẫn uất, bên cạnh việc bỏ lỡ quá nhiều cơ hội thì một trong những điều khắc khoải nhất khi so sánh rồi ước áo: Giá như U23 Việt Nam có một thủ môn như Phyo Kyaw Zin của U23 Myanmar.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng từng mắc sai lầm trong trận gặp U22 Hàn Quốc. Ảnh: Đ.Đ

Đến nỗi lo và “cầu Trời”

Người bắt chính của U23 Việt Nam trong thất bại trước Myanmar ở bán kết SEA Games 28 cách đây 2 năm, giờ là 1 trong 2 thủ môn của U23 Việt Nam: Phí Minh Long.

Từ lứa U19 cùng với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…, Minh Long có mặt ở tất cả các ĐT trẻ rồi U23 Việt Nam trong 4 năm qua. Thế nhưng thủ thành của Hà Nội này vẫn chưa tạo dựng được niềm tin.

Đó là lý do, cuộc chiến trong khung gỗ ở U22 Việt Nam trước thềm SEA Games 29 này vẫn bỏ ngỏ, giữa Minh Long và Tiến Dũng.

Khi xuất hiện trong màu áo U19 Việt Nam và góp công lớn trong chiến dịch VCK U19 Châu Á 2016, thủ môn Tiến Dũng không chỉ là người hung, điểm tựa mà còn là niềm hy vọng. Lâu lắm rồi, bóng đá Việt Nam mới có một thủ môn trẻ chơi chắc chắn, tạo cảm giác an toàn với sự lỳ đòn như thế. Đó là lý do sau World Cup U20, Dũng được trao cơ hội với U22 Việt Nam rồi cả ĐTQG.

Tưởng như Tiến Dũng sẽ là số 1 trong khung gỗ, khi được trao cơ hội, Thế nhưng thật tiếc, ở vòng loại U23 Châu Á 2018 diễn ra trên sân Thống Nhất, một sai lầm khó tin lại xuất hiện ở thủ thành này dẫn đến bàn thua trong trận đấu với U23 Hàn Quốc. Trong 2 năm trước đó, thủ thành trẻ này gây ấn tượng mạnh với khả năng ra vào, kiểm soát không gian với những pha bóng bổng. Thế nhưng ở tình huống theo nguyên tắc phải đấm bóng án toàn, Dũng lại đón hụt rất vô duyên do ý đồ bắt bóng trên đầu cầu thủ đối phương để rồi sai sót xảy ra.

Một sai số và nó khiến Tiến Dũng mất điểm. Quan trọng hơn, nỗi lo lại hiện về. Và giờ thì Dũng lại quay về xuất phát điểm, chỉ 5-5 so với Minh Long khi phải chọn lựa người đứng trong khung gỗ của U22 Việt Nam.

Thủ môn là vị trí rất quan trọng, đặc biệt ở bóng đá Việt Nam và một đội tuyển trẻ như U22 Việt Nam, bởi luôn giữ vai trò tác động, thậm chí là quyết định đến cả đội hình, chiến thuật với lối chơi của cả hệ thống. Thế nên khi nhìn lại các tuyến của U22 Việt Nam và những gì thể hiện, chỉ còn vị trí này là còn nguyên câu hỏi trong khi từ tiền đạo, tiền vệ đến hậu vệ HLV Hữu Thắng đều có đáp án với những phương án thử nghiệm, tạo dựng cảm giác an toàn.

Không có lựa chọn tốt hơn nên với U22 Việt Nam, cần phải hy vọng rồi cả “cầu Trời” tại SEA Games này, khi nhìn vào vị trí trong khung gỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn