MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên taekwondo đấu tập trước thềm SEA Games 32. Ảnh: Minh Quân

Vận động viên cần hiểu về việc mua bảo hiểm phòng rủi ro chấn thương

AN NGUYÊN LDO | 22/12/2023 08:36

Những người làm công tác quản lý, huấn luyện viên cần hướng dẫn, tuyên truyền để các vận động viên hiểu rõ trước khi lựa chọn mua bảo hiểm phù hợp để phòng ngừa rủi ro chấn thương, tai nạn.

Hiện nay, đa phần các vận động viên chỉ được mua một số loại bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Hoặc, một số giải đấu quốc gia mua bảo hiểm cho vận động viên trong thời điểm tham dự giải đấu.

Ngoài ra, không nhiều vận động viên chủ động mua thêm những loại bảo hiểm khác như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhân thọ nhằm phòng ngừa những rủi ro không đáng có.

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao I (Cục Thể dục Thể thao) cho biết: “Trách nhiệm của các cơ quan quản lí và các trung tâm tuyển chọn vận động viên là mua, chi trả bảo hiểm cho vận động viên về tai nạn tập luyện, thi đấu, khám chữa bệnh cho vận động viên, bảo hiểm chấn thương và hồi phục cho vận động viên sau khi thi đấu. Những bảo hiểm đó để đảm bảo cho vận động viên một cách tốt nhất.

Các vận động viên được tuyển vào đội tuyển, khi thi đấu và gặp chấn thương, việc điều trị, chữa trị chấn thương và sau khi hồi phục vẫn được chi trả bảo hiểm".

Vận động viên thể dục dụng cụ trong một buổi tập chuyên môn. Ảnh: Minh Quân

Ông Vinh nói thêm: "Về bảo hiểm thân thể, ở một một số cuộc thi đấu, chúng tôi cũng phải mua bảo hiểm thân thể cho vận động viên. Bởi theo luật thể thao quốc tế, các đoàn phải đảm bảo điều này mới được tham dự".

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Vinh, hiện tại, thể thao Việt Nam chia ra thành nhiều nhóm vận động viên, bao gồm nhóm vận động viên chuyên nghiệp, nhóm vận động viên trẻ, nhóm vận động viên đội tuyển quốc gia… Sự hiểu biết về bảo hiểm của các vận động viên là không giống nhau.

"Nhiều vận động viên ý thức được về thân thể, nhân thọ. Chẳng hạn như các cầu thủ bóng đá, họ có đội ngũ tư vấn, luật sư đi theo. Bản thân họ thi đấu chuyên nghiệp nên sẽ nắm rõ rằng thời điểm nào mua bảo hiểm gì và mua bao nhiêu.

Nhưng nhiều môn thể thao khác chưa có tính chuyên nghiệp cao thì vận động viên trẻ vẫn chưa hiểu được. Các nhà quản lí, huấn luyện viên cần đưa ra khuyến cáo cho vận động viên, hướng dẫn, tuyên truyền rằng họ cần mua bảo hiểm gì, mức độ nào, gói ra sao, nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu, cá nhân và gia đình tham gia đóng góp bao nhiêu… Từ đó họ sẽ có sự lựa chọn riêng.

Nếu giữa các bên đều có sự phối hợp thì sẽ không có sự khác biệt giữa vận động viên chuyên nghiệp, vận động viên không chuyên, tuyển quốc gia hay vận động viên trẻ, đồng thời giá trị của bảo hiểm sẽ được phát huy nếu vận động viên không may dính chấn thương", ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Vận động viên chuyên nghiệp tham dự các giải chạy marathon, phong trào cần lưu ý về chế độ bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Anh

Cũng theo ý kiến của một số chuyên gia, hiện nay, một nhóm các vận động viên điền kinh có xu hướng tham dự các giải chạy phong trào bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều người lại chưa chú trọng, quan tâm đến việc mua bảo hiểm tại giải đấu, hoặc giải đấu đã bao gồm bảo hiểm cho vận động viên hay chưa.

Về điều này, ông Hoàng Quốc Vinh cho hay: "Có thể nói, thời gian qua, có nhiều giải chạy được tổ chức. Việc tạo ra nhiều giải đấu mang tính chất chuyên nghiệp sẽ có nhiều vận động viên tham gia để tăng tính cọ xát, nâng cao thành tích.

Tùy từng giải có điều luật riêng. Vận động viên tham dự thi đấu, ban tổ chức và điều lệ đều có bảo hiểm cho vận động viên. Các vận động viên cần phải tìm hiểu để đăng kí và mua các gói bảo hiểm theo quy định của ban tổ chức.

Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo các vận động viên cần mua các gói bảo hiểm trong giải đấu đó để đảm bảo an toàn và quyền lợi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn