MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 VĐV aerobic Vũ Bá Đông (trái) và Trần Thị Thu Hà vừa đoạt HCV ở World Games 2013. Ảnh: K.H

VĐV thể thao giải nghệ: Con đường tới thành Rome dường như bị đóng chặt

Thành Trung LDO | 07/09/2018 20:00
Nhiều vận động viên (VĐV) từng vô địch Seagames và các giải thế giới khi giải nghệ khó tìm được một công việc ổn định, cuộc sống mưu sinh khó khăn.

Nhọc nhằn sau khi giải nghệ

VĐV Aerobic Bá Đông từng thi đấu cặp nam nữ với VĐV Thu Hà. Cặp đôi này đã 2 lần vô địch Seagames năm 2007 và 2011, 3 lần vô địch cúp thế giới Aerobic năm 2009, 2011 và 2013.

Từng nhiều lần mang huy chương về cho thể thao nước nhà, làm rạng danh tổ quốc, thế nhưng khi giải nghệ, Bá Đông vẫn không có được một công việc ổn định.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, VĐV Bá Đông cho biết, anh giải nghệ năm 2015, hiện cuộc sống khá khó khăn, anh phải đi dạy thêm Aerobic ở các trường mầm non và đội tuyển ở tỉnh Hải Dương.

May mắn hơn, người từng thi đấu cặp với Bá Đông nhiều năm – VĐV Thu Hà sau khi giải nghệ năm 2014, tới năm 2016, cô được biên chế vào ngành thể thao của TP Hải Phòng làm huấn luyện viên.

Không được may mắn như Thu Hà, nhiều VĐV từng là nhà vô địch Seagames, giải thế giới, từng là ngôi sao sáng của thể thao Việt Nam khi giải nghệ cũng phải “bắt đầu lại từ đầu”, cuộc sống nhiều bất hạnh.

Người hâm mộ môn bơi lội chắc chưa thể quên cái chết đột ngột của VĐV bơi lội Trần Xuân Hiền trên đường mưu sinh. Anh từng giành HCB Seagames, từng được tung hô là người hùng của thể thao Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Thế nhưng, khi rớt khỏi vị trí đỉnh cao, Trần Xuân Hiền đã phải lang bạt từ Quảng Bình vào TPHCM làm phu hồ, bảo vệ hồ bơi.

 Cựu huyền thoại điền kinh Việt Nam Trần Thị Soa khi còn thi đấu. Ảnh: ANTĐ

Hay huyền thoại của điền kinh Việt Nam một thời Trần Thị Soa, sau khi giải nghệ bà phải đi dọn vệ sinh sân bóng ở Nghệ An để mưu sinh và còn nhiều VĐV khác khi giải nghệ cũng nhọc nhằn khi bắt đầu cuộc sống mới.

Bài toán việc làm sau giải nghệ vẫn chưa có lời giải

Theo thống kê, nhu cầu thực tế của các cơ sở huấn luyện đào tạo thể thao, các trung tâm thể thao, bộ môn giáo dục thể chất của trường học các cấp trên cả nước cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 15-20% số VĐV giải nghệ, có bằng cử nhân TDTT hay Sư phạm TDTT.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao. Ảnh: VTV 

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào cho các VĐV khi giải nghệ.

“Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang trình Chính phủ thông qua Nghị định thay thế Quyết định 32/2011/QĐ-TTg, trong Nghị định này sẽ có nhiều chính sách hơn cho các vận động viên”, ông Phấn nói.

Trước đó, ngày 3.9, trong buổi gặp của Đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 2018 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhắc tới Nghị định này.

Về vấn đề đầu ra cho các VĐV khi giải nghệ, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác trên thế giới việc giải quyết đầu ra cho các VĐV khi giải nghệ vẫn là vấn đề nan giải.

Nói về chế độ dành cho VĐV, ông Nguyễn Hồng Minh cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về chế độ cho các VĐV ngay khi còn tập luyện thi đấu.

Theo ông Minh, mức đầu tư cho các VĐV hiện nay còn khá thấp, chưa đảm bảo cho VĐV nâng cao trình độ lên tầm châu lục và thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn