MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VFF ra mắt GĐKT Jurgen Gede cách đây 4 năm. Ảnh: Hải Đăng

VFF và sự mơ hồ chức danh Giám đốc kỹ thuật

Đăng Huỳnh LDO | 06/05/2020 08:12

Sau 4 năm bổ nhiệm ông Jurgen Gede làm việc trên cương vị Giám đốc kỹ thuật, ngay cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng còn vẫn mơ hồ về chức danh có vai trò hoạch định chiến lược của cả nền bóng đá. 

Khi Jurgen Gede ngồi… sai ghế 

Trước hết, cần nhắc lại: Vị trí Giám đốc kỹ thuật trong các nền bóng đá phát triển trên thế giới đóng một vai trò quan trọng. Bởi Giám đốc kỹ thuật là một kiến trúc sư, hoạch định chiến lược và định hướng cho cả nền bóng đá.

Năm 2016, VFF đã bổ nhiệm chuyên gia người Đức Jurgen Gede vào vị trí Giám đốc kỹ thuật. Thời điểm đó, lãnh đạo VFF đưa ra quan điểm: “Với mục tiêu thay đổi cũng như nâng chất công tác đào tạo trẻ, việc tìm một giám đốc kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam. Bóng đá trẻ là tương lai. Chúng ta cần thay đổi nhận thức và đầu tư không chỉ cho đội tuyển hiện tại mà phải tập trung hơn nữa cho đội tuyển trẻ và các vấn đề liên quan của bóng đá trẻ”. 

Như vậy, có thể hiểu ông Gede được bổ nhiệm để chuyên tâm cho mảng phát triển bóng đá trẻ. Ngay từ đầu, việc VFF định hướng cho vị trí Giám đốc kỹ thuật đã chưa thật đầy đủ. Cũng chính điều này khiến cho ông Gede luôn mơ hồ trong công việc của mình suốt 4 năm qua, đó là làm công việc của một chuyên gia hay một nhà hoạch định chiến lược. 

Và sau quãng thời gian ông Gede gắn bó rồi chia tay, VFF đưa ra đánh giá: “Trong hành trình 4 năm gắn bó cùng bóng đá Việt Nam, Jurgen Gede tích cực tham gia hỗ trợ ban huấn luyện các đội tuyển trẻ từ U.16, U.19 cho đến U.23 quốc gia thông qua các ý kiến tham mưu, phân tích về chuyên môn, cung cấp các thông tin dữ liệu phục vụ công tác huấn luyện và thi đấu”.

Có 2 dấu ấn lớn được VFF nhấn mạnh là ông Gede hỗ trợ tích cực cho huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, đóng góp vào thành tích của U.19 Việt Nam khi giành vé dự U.20 World Cup 2020. Sau đó là việc ông cũng đã hỗ trợ Huấn luyện viên Park Hang-seo tuyển chọn nhân sự, góp phần vào thành công của U.23 Việt Nam tại giải U.23 Châu Á 2018. Vai trò này giống một chuyên gia cố vấn về chuyên môn và thực chất, ông Gede cũng đã làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ các đội tuyển. 

Một câu hỏi được đặt ra, vai trò của ông Jurgen Gede với các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở địa phương ra sao? Thực tế, các lò đào tạo có tiếng như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, PVF, Hà Nội… đều có những phong cách và hướng đi khác nhau, hoặc chọn hợp tác với đối tác, với chiến lược riêng. Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede không có bất kỳ một vai trò tư vấn nào, do đó mà định hướng của VFF rơi vào thế… việt vị.

Sau khi U.19 Việt Nam bị loại ở giải U.19 Đông Nam Á, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn từ chức, nhìn cách ông Gede “ngồi chơi xơi nước” hơn nửa năm qua phần nào nói lên tính chất công việc của chuyên gia người Đức. Cái giá khoảng 10.000USD (lương 8.000USD/tháng sau thuế) VFF bỏ ra cho vị trí này bỗng nhiên… quá đắt. 

Sự mơ hồ của VFF

Trong bóng đá nước ta, ngay từ đầu, chức danh Giám đốc kỹ thuật đã không được nhìn nhận một cách đầy đủ, hoặc trong quá trình làm việc, vị trí này chỉ có hư danh chứ không thực quyền. Điều này tương tự với câu chuyện từng xảy ra với Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia. Đây là bộ phận có chức năng tham mưu cho VFF về lựa chọn huấn luyện viên, thay VFF kiểm soát, đánh giá... công tác chuyên môn nói chung. Bên cạnh đó, hội đồng cũng hỗ trợ huấn luyện viên trong cả công tác chuyên môn và nhân sự. Tuy nhiên, có những thời điểm hội đồng này bị “vô hiệu hoá”, hoặc được dùng như một công cụ, sau những thất bại ở AFF Cup hay SEA Games mà dư luận đòi VFF phải mổ xẻ, phân tích rồi quy trách nhiệm mà những gì diễn ra sau thất bại của các đời HLV như Flako Gezt, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc rồi Nguyễn Hữu Thắng là ví dụ. Như việc Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức gây sức ép, tác động đến quyết định sa thải huấn luyện viên Miura, hậu thuẫn để HLV Hữu Thắng lên dẫn dắt đội tuyển quốc gia rồi sau đó một tay chọn, đưa Huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam mà không cần đến vai trò của Hội đồng HLVQG.

VFF sẽ lựa chọn người thay thế ông Gede và theo tiêu chí Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đưa ra thì “trong giai đoạn phát triển mới, VFF dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Do vậy, vị trí Giám đốc kỹ thuật không chỉ là định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ mà còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các câu lạc bộ, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng huấn luyện viên bóng đá trẻ”. 

Vẫn là câu chuyện phát triển bóng đá trẻ và hỗ trợ đào tạo bóng đá trẻ của các câu lạc bộ. Thế nhưng đây là việc sẽ không dễ thực hiện khi bóng đá Việt Nam vẫn mạnh ai nấy chạy. Nói đúng hơn, mỗi nơi hoạt động theo một cách, nếu VFF không quy hoạch được sẽ khó có ông chuyên gia hay Giám đốc kỹ thuật nào làm nổi. Một câu chuyện nhiều người dễ nhận ra, hiện Giám đốc kỹ thuật tại Trung tâm đào tạo bóng đá PVF đang là huấn luyện viên trưởng của U.19 Việt Nam. Rất có thể, trong thời gian tới ông sẽ là được mời làm Giám đốc kỹ thuật của VFF. 

Thế nên, có thể thấy sự ra đi của ông Gede như một giải pháp tình thế. Và khi đã là sự lựa chọn không mang tính chiến lược và có kế hoạch bài bản, ông Giám đốc kỹ thuật mới sẽ lại mơ hồ với nhiệm vụ và “bó tay” với thực tế quá nhiều bài toán nan giải.

Cần nhớ rằng, trước khi Jurgen Gede được bổ nhiệm, việc VFF cần có Giám đốc kỹ thuật đã được thảo luận, mổ xẻ một thời gian khá dài và ngay từ đầu chưa có một định hướng cụ thể... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn