MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không nhiều cầu thủ Đông Nam Á từng tới Châu Âu tập luyện và thi đấu như cựu tiền đạo Lê Công Vinh (số 9). Ảnh: ESPN FC.

Vì đâu cầu thủ Đông Nam Á như Công Phượng, Tuấn Anh... ít xuất ngoại?

VIỆT ANH LDO | 24/07/2017 12:19
Bóng đá Đông Nam Á hiện nay chưa có nhiều cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Nguyên nhân đằng sau câu chuyện này chưa chắc nằm ở vấn đề chuyên môn.

Mới đây, trong bài viết trên trang FourFourTwo phiên bản Malaysia, phóng viên Scott McIntyre đã đi tìm nguyên nhân cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á chưa ra nước ngoài thi đấu nhiều, đặc biệt là tới Châu Âu thông qua những hợp đồng trao đổi.

Chưa nhiều và mới là "thử sức"

Tác giả nêu bức tranh cầu thủ Châu Á ra nước ngoài thi đấu trong một thập kỉ qua: “Nhật Bản có khoảng 25 cầu thủ tới Bundesliga thi đấu, Hàn Quốc thì hơn một tá cầu thủ như vậy. Cầu thủ Iran đã thử sức ở những nền bóng đá hàng đầu Châu Âu. 

Trung Quốc từng có cầu thủ ra sân ở Premier League. Uzbekistan đã có cầu thủ xuất hiện ở đấu trường UEFA Champions League. Bóng đá Afghanistan, Kyrgyzstan và Tajikistan có nhiều cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp ở Châu Âu”.

Thực tế, cầu thủ Đông Nam Á hiện nay chủ yếu chơi bóng ở trong nước. Nếu có xuất ngoại, điểm đến của họ sẽ là các quốc gia Châu Á có nền bóng đá mạnh. Trường hợp của Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Chanathip Songkrasin (Thái Lan) sang Nhật Bản thi đấu hay Lương Xuân Trường thử sức ở Hàn Quốc là những ví dụ tiêu biểu. 

Chanathip Songkrasin (số 18) hiện đang đá cho CLB Consadole Sapporo của Nhật Bản theo dạng cho mượn. Ảnh: FourFourTwo.

Số lượng cầu thủ sang Châu Âu chơi bóng dù chỉ trong thời gian ngắn như Lê Công Vinh tới Leixoes SC (Bồ Đào Nha) hay Kiatisak Senamuang (Thái Lan) sang Huddersfield Town (Anh) ít hơn hẳn.

Tư duy "thằng chột làm Vua xứ mù"

Cựu tuyển thủ ĐT Lebanon - Buddy Farah là một trong những người đại diện hàng đầu trong việc kết nối bóng đá Châu Á và Châu Âu. Anh từng chơi bóng chuyên nghiệp ở Malaysia, nơi anh là đồng đội của ngôi sao một thời Bambang Pamungkas.

Anh chia sẻ về câu chuyện này: “Tôi đã thấy nhiều vấn đề về câu chuyện này khi chơi bóng ở Lebanon, nhưng điểm giống với bóng đá Đông Nam Á là thiếu khao khát để chơi bóng ở nước ngoài.

Rất nhiều cầu thủ không muốn rời khỏi đất nước, nơi họ được coi là những ngôi sao, nhận lương cao, quen khẩu vị thức ăn, mọi thứ cực kì dễ chịu. Trường hợp của Bambang Pamungkas ở CLB Selangor (Malaysia) là câu chuyện điển hình.

Chúng tôi luôn thấy 80.000 CĐV tới xem các trận đấu và họ coi Bambang như vua chúa vậy. Tôi không nghĩ anh ấy có ý định ra Châu Âu chơi bóng. Văn hóa ở đó sẽ rất khác biệt và nỗi lo sợ thất bại tại đó cũng lớn”.

Bambang Pamungkas từng nhận được những sự quan tâm của các đội bóng Châu Âu. Ảnh: FourFourTwo.

Theo HLV trưởng của Bangkok United – Alexandre Poking, cảm giác thoải mái khi thi đấu ở quê nhà cũng là rào cản với các cầu thủ Thái Lan tới những giải đấu có đẳng cấp cao hơn thi đấu.

Ông chia sẻ: “Tôi thấy ngạc nhiên khi chúng ta không thấy nhiều cầu thủ Thái Lan xuất ngoại. Năng lực của họ không phải là vấn đề trong câu chuyện này. Một khi bạn ở Thái Lan, bạn sẽ hiểu cầu thủ ở đây vô cùng dễ chịu với cuộc sống ở quê nhà. Nhiều cầu thủ không ra nước ngoài thi đấu vì không muốn xa cha mẹ, đồ ăn quen thuộc và cả mức lương tốt...

Chúng tôi từng chứng kiến nhiều cầu thủ xuất ngoại trước đây. Tuy nhiên, họ đã không thể thích nghi. Nhiều cầu thủ khác lại cho rằng, họ không có nhu cầu thử sức ở những giải đấu đẳng cấp hơn vì cuộc sống ở Thái Lan quá dễ dàng với họ”.

Sau thời gian tập luyện và thi đấu ở Incheon United và Gangwon FC, Xuân Trường đã quen với cuộc sống ở Hàn Quốc. Ảnh: Gangwon FC.

Nhưng quan điểm "không đủ trình độ là không đúng..."

Giám đốc kĩ thuật hiện tại của LĐBĐ Philippines – Marlon Maro lại đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ khi so sánh với các quốc gia, khu vực khác, các CLB ở Philippines thường không được tổ chức tốt. Vì vậy, khi các cầu thủ thi đấu ở một đẳng cấp cao hơn, họ cảm thấy không thân quen với những gì đã có ở quê nhà. Ngôn ngữ cũng là rào cản với họ.

Tôi cũng có thể nói rằng các cầu thủ Philippines không được trang bị nền tảng kĩ chiến thuật tốt. Chúng tôi có tư duy, thể lực tốt nhưng kĩ thuật thì chưa hoàn thiện, đó chính là điểm yếu lớn nhất”.

Ông Marlon Maro cho biết thêm: “Quan điểm cho rằng trình độ các cầu thủ ở Đông Nam Á không đủ trình độ là không đúng. Tôi đã chơi bóng ở khu vực Đông Nam Á và trình độ kĩ thuật ở đây không hề thua kém nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là các đội bóng ở Châu Âu không công nhận điều đó.

Nếu tôi giới thiệu một cầu thủ ở Đông Nam Á cho các đội bóng Châu Âu, họ sẽ cười vào mặt tôi. Dù có tài năng đến mấy, nhiều CLB chưa chắc sẽ tiếp nhận cầu thủ từ Malaysia, Thái Lan hay Campuchia bởi còn vấn đề về visa nữa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn