MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cảm xúc ở lượt cuối vòng bảng cần được giữ lại. Ảnh: AFP

Vì sao FIFA không nên thay đổi thể thức vòng bảng World Cup?

TAM NGUYÊN LDO | 05/12/2022 08:00

World Cup 2022 đang đến giai đoạn đấu loại trực tiếp, nhưng những gì xảy ra ở vòng bảng khiến giới chuyên môn phải suy nghĩ.

Vòng bảng khó đoán nhất trong lịch sử

Trong gần 3 tuần diễn ra vòng bảng World Cup 2022, giới mộ điệu đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Có rất nhiều điều để nói, nhưng để phục vụ cho bài viết, sẽ chỉ nêu ra một vài chi tiết mang tính điểm nhấn.

Theo đó, có đến 30 trong số 32 đội tại World Cup 2022 - trừ Canada và Qatar - cho đến trước lượt đấu thứ ba vẫn còn cơ hội để giành vé vào vòng knock-out. Chỉ Brazil, Pháp và Bồ Đào Nha là giành vé đi tiếp sau 2 trận. Cuộc chiến cho 13 suất còn lại - được ví như “Trò chơi con mực” phiên bản không giới hạn, đã tạo ra giá trị giải trí tuyệt vời ở Qatar.

Trong số 8 bảng, bảng E thể hiện thực sự đầy đủ khía cạnh đó, với cuộc đua của Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức và Costa Rica. Những thay đổi liên tục, những cảnh quay “điên cuồng” mà đội nào cũng có lúc thăng hoa, lúc rơi xuống địa ngục…

Hay ở bảng D, nơi Ba Lan giành vé đi tiếp và Mexico bị loại chỉ với khác biệt duy nhất là 1 bàn thắng. Và người ta không thể không nhận thấy câu chuyện rơi nước mắt của những đội thắng ở lượt cuối mà vẫn bị loại như Đức, Uruguay, Mexico.

Và cuối cùng, lần đầu tiên kể từ khi vòng chung kết World Cup tăng số đội lên 32, không có đội nào thắng cả 3 trận…

Vì sao FIFA không nên thay đổi thể thức vòng bảng?

Có 3 yếu tố tạo nên một vòng đấu bảng hấp dẫn như ở World Cup năm nay. Một là nguy cơ, với 50% số đội sẽ không thể thành công trong 3 trận đấu của họ. Khoảng cách mong manh đến mức các đội có lúc phải nhờ đến chỉ số fair-play để biết mình bị loại hay đi tiếp, và thậm chí là khoảng cách 1,88mm phần thân trái bóng trên vạch vôi để quyết định bàn thắng hợp lệ.

Thứ hai, yếu tố quyết định của FIFA dành cho các quốc gia bằng điểm nhau là hiệu số bàn thắng bại chứ không phải thành tích đối đầu như ở UEFA Champions League hay EURO.

Như kỳ EURO 2020 vào năm ngoái gần như không tạo ra nhiều khúc ngoặt vì một phần quan trọng của cuộc đua đã được vận hành hiệu quả, được xác định trước bởi các kết quả trước đó. Vẫn có thể có những thay đổi vào phút cuối nhưng phạm vi của chúng bị giới hạn bởi thể thức.

Thứ ba, lượt trận thứ ba rất hấp dẫn vì 2 trận diễn ra đồng thời. Chúng được đưa ra như một thước đo của sự công bằng trong thể thao để tránh sự thông đồng đầy hoài nghi như trận đấu giữa Tây Đức và Áo năm 1982, chiến thắng 1-0 giúp cả hai đi tiếp vì đội xếp thứ ba là Algeria đã chơi trận thứ ba (thắng Chile 3-2) 1 ngày trước đó.

Một tác dụng phụ ngoài ý muốn nhưng rất đáng hoan nghênh là sự điên rồ của nhiều khả năng, nơi mọi thứ xảy ra trong một sân vận động có thể tác động đến trận đấu ở sân vận động kia và ngược lại. Và các đội có thể bị loại từ xa, như thể bị hạ gục bởi bàn tay vô hình của số phận.

Hãy nhìn vào những giọt nước mắt, sự giận dữ của các cầu thủ Uruguay, sự suy sụp của người Đức khi tấm vé đi tiếp bị lấy đi bởi Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta sẽ thấy sức hấp dẫn của nó.

Sẽ thật ngớ ngẩn khi thay đổi thể thức tuyệt vời này, nhưng một lần nữa, tính hợp lý không phải lúc nào cũng là trọng tâm trong các quyết định ở Zurich. World Cup sẽ mở rộng lên 48 đội vào năm 2026 - nhiều đội hơn, nhiều tiền hơn - đảm bảo một loại vòng bảng khác.

Ý tưởng chia thành 16 bảng, mỗi bảng 3 đội bị cho là một ý tưởng tồi tệ. FIFA không chỉ tước đi sự hào hứng của lượt trận thứ ba như hiện tại, mà còn có những vấn đề nghiêm trọng về sự công bằng.

Đề xuất đưa loạt sút luân lưu trước trận đấu và một thể thức phức tạp khác sẽ mang đến những vấn đề khác và làm xói mòn thêm sự kịch tính mà thể thức hiện tại tạo ra…

Ở Doha lúc này, đang có những xì xào về khả năng FIFA sẽ trở lại với ý tưởng 1 bảng 4 đội để thừa nhận rằng, thể thức này không nên bị loại bỏ một cách quá nhanh. Với 48 đội, sẽ chỉ cần thêm một vài chi tiết (nếu không muốn giải đấu kéo dài hơn quá lâu).

Theo đó, từ 48 đội, vẫn sẽ rút xuống còn 16 đội nhờ việc đá play-off giữa 4 đội đầu bảng có thành tích tệ nhất với các đội nhì bảng. Hoặc có thêm vòng 1/16 để 32 đội đi tiếp sau vòng bảng…

Nhưng dù thế nào, hãy để cho lượt trận cuối còn sự đua tranh thay vì chỉ mang tính thủ tục.

LỊCH THI ĐẤU

Ngày 5.12

22h     Nhật Bản – Croatia (VTV2, VTV Cần Thơ)

Ngày 6.12

2h      Brazil – Hàn Quốc (VTV3, VTV Cần Thơ)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn