MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên Lê Văn Công nhận thưởng "nóng" từ đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: Đoàn TTVN

Vì sao tiền thưởng cho VĐV thể thao khuyết tật thấp hơn người bình thường?

ĐĂNG HUỲNH LDO | 27/08/2021 19:37

Vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đang có mức tiền thưởng cho các tấm huy chương tại các đại hội thể thao như Paralympic Tokyo thấp hơn so với các vận động viên thông thường. 

Ngay sau khi vận động viên Lê Văn Công giành tấm huy chương bạc môn cử tạ cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao đã chia sẻ những hình ảnh, video của lực sĩ này  trên facebook cá nhân kèm số tiền thưởng 5 triệu đồng.

Đó là số tiền cá nhân mà bà Lê Thị Hoàng Yến tặng riêng cho Lê Văn Công vì thành tích và những nghị lực vượt khó của vận động viên này. Món quà hiếm hoi, ý nghĩa với một vận động viên thể thao người khuyết tật. 

Sau tấm huy chương bạc tại Paralympic Tokyo 2020, Lê Văn Công được đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thưởng "nóng" 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh cũng sẽ được thưởng 140 triệu đồng theo quy định của nhà nước. 

Một bất cập đang diễn ra suốt nhiều năm qua là số tiền thưởng theo quy định giành huy chương tại các giải đấu thể thao quốc tế mà các vận động viên thể thao khuyết tật nhận được thấp hơn so với các vận động viên bình thường thường.

Cụ thể, theo Nghị định 152 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24.12.2018, vận động viên giành Olympic được thưởng tối đa lên tới 490 triệu đồng (trong số này có 350 triệu đồng cho huy chương vàng và 140 triệu đồng cho thành tích phá kỷ lục Thế vận hội). Vận động viên giành huy chương bạc Olympic nhận thưởng 220 triệu đồng và huy chương đồng là 140 triệu đồng.

Tại đấu trường ASIAD, vận động viên giành huy chương vàng nhận 140 triệu đồng, huy chương bạc nhận 80 triệu đồng và huy chương đồng nhận 55 triệu đồng. Còn tại SEA Games, mỗi huy chương vàng được thưởng 45 triệu đồng, huy chương bạc là 25 triệu đồng và huy chương đồng là 20 triệu đồng.

Vận động viên Lê Văn Công giành huy chương bạc tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP

Với vận động viên thể thao người khuyết tật, tại đấu trường Paralympic, huy chương vàng nhận 220 triệu đồng, huy chương bạc nhận 140 triệu đồng và huy chương đồng nhận 85 triệu đồng. Tương tự, VĐV bình thường giành được huy chương Asiad sẽ nhận được mức thưởng là 140 triệu đồng HCV, 85 triệu đồng HCB, 55 triệu đồng HCĐ.

Tại Asian Para Games, huy chương vàng nhận  80 triệu đồng, huy chương bạc nhận 50 triệu đồng và huy chương đồng nhận 30 triệu đồng. Tại SEA Games, huy chương vàng nhận  25 triệu đồng, huy chương bạc 15 triệu đồng và huy chương đồng nhận 10 triệu đồng. 

Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam trong thời gian qua đã có những đấu tranh quyết liệt để mức thưởng của các vận động viên người khuyết tật bằng các vận động viên bình thường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vấn đề này vẫn chưa được cải thiện. 

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020 với 15 thành viên, trong đó có 7 vận động viên là: Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công (Cử tạ); Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (Bơi); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (Điền kinh). 

Trước ngày đoàn lên đường sang Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng cho mỗi vận động viên 15 triệu đồng để khích lệ tinh thần. Đó cũng là cách để chia sẻ với nghị lực mà các vận động viên người khuyết tật đến Thế vận hội. 

Với những người khuyết tật, việc có một cuộc sống bình thường đã gặp nhiều khó khăn. Các vận động viên người khuyết tật lại là cả một nghị lực rất lớn. Nhìn cách mà vận động viên Lê Văn Công vượt qua chấn thương, nén đau để giành huy chương bạc cho thể thao Việt Nam là sự vượt lên số phận, vượt lên chính mình. 

Sinh thời, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt từng có mong mỏi rằng, các vận động viên khuyết tật khi tham gia thể thao, bên cạnh thành tích thì điều quan trọng hơn chính là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mỗi người khuyết tật sẽ tìm được ý nghĩa của cuộc đời khi trở thành những vận động viên thể thao với khát vọng vượt qua số phận. Người khuyết tật vốn luôn mang trong mình sự mặc cảm nên họ luôn cần sự cảm thông.

Với những vận động viên thể thao người khuyết tật, hãy để họ có được những phần thưởng xứng đáng cho nghị lực phi thường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn