MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại binh ở V.League hiện tại đa phần đến từ những quốc gia quá xa xôi và không tạo được sức hút cho giải đấu. Ảnh: Minh Dân

V.League nên đánh giá lại vấn đề ngoại binh?

TAM NGUYÊN LDO | 09/11/2023 07:56

Đưa ngoại binh đến với các câu lạc bộ ở V.League không đơn thuần chỉ là sự phụ thuộc mà còn tạo ra sức hút mang về nguồn thu…

V.League cho phép đăng ký ít cầu thủ ngoại nhất

Sau 3 vòng, Night Wolf V.League 2023-2024 tạm nghỉ để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia với đợt FIFA Days tháng 11. Như thường lệ, dấu ấn của các ngoại binh sớm được thể hiện trên bảng thống kê danh sách ghi bàn.

Trong tổng số 55 bàn được ghi sau 20 trận đấu tại V.League mùa này, 27 bàn được ghi bởi những nhân tố ngoại (đó là chưa kể bàn của Hoàng Vũ Samson - cầu thủ người Nigeria đã có quốc tịch Việt Nam) - tức là 50%.

Câu chuyện các câu lạc bộ V.League phụ thuộc vào ngoại binh trên hàng công đã trở nên quá đỗi bình thường trong nhiều năm qua, nhưng vấn đề đặt ra là, tại sao giải đấu hàng đầu Việt Nam có nhiều ngoại binh nhưng sức hút lại rất yếu? Và vì sức hút yếu, vấn đề tài chính của các câu lạc bộ, của ban tổ chức vẫn luôn là vấn đề nan giải. Nên chăng, VFF và VPF nên có đánh giá lại cách sắp xếp hệ thống đăng ký cầu thủ ngoại?

Không biết vô tình hay hữu ý, hôm thứ Hai (6.11), trang Facebook của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Football) đưa ra thống kê về việc giới hạn cầu thủ ngoại tại các giải vô địch quốc gia trong khu vực.

Theo đó, V.League là giải đấu cho phép đăng ký cầu thủ nước ngoài ít nhất (3 suất), chỉ những câu lạc bộ tham gia các giải đấu của AFC mới được đăng ký thêm 1 suất cho cầu thủ thuộc AFC (các suất đăng ký khác chỉ được tham gia các giải thuộc AFC nhưng không được dự V.League).

Thêm nữa, V.League cũng là giải đấu duy nhất giới hạn số lượng cầu thủ nhập tịch (1 suất).

Dù các đội sẽ được bố trí thêm một suất cho 1 cầu thủ Việt kiều không nhập tịch nhưng ở 10 quốc gia còn lại, cầu thủ thuộc diện này là “không giới hạn”.

Nhìn ra các giải đấu khác, Malaysia cho phép đăng ký nhiều cầu thủ ngoại nhất (7 người), trong khi Thái Lan, Indonesia và Philippines cùng cho phép đăng ký 5.

Thêm cầu thủ ngoại, từ góc nhìn khác

Trong bối cảnh các câu lạc bộ đang phụ thuộc vào ngoại binh, cầu thủ trẻ Việt Nam đã rất hạn chế cơ hội ra sân, việc thay đổi cơ cấu cầu thủ ngoại được đưa ra có thể nhanh chóng gây tranh cãi, thậm chí bị phản bác. Tuy vậy, cần nhớ một điều, trong quá trình phát triển, không thể tách bạch mọi thứ mà phải là sự gắn kết, đồng hành. Vậy, vấn đề của bóng đá Việt Nam lúc này là gì? Như cách nói dân dã thì “đầu tiên là tiền đâu”.

Hãy nhìn vào số cầu thủ ngoại ở V.League lúc này, rất đông cầu thủ Brazil, rất nhiều nhân tố từ châu Phi, một vài người từ châu Âu hay Bắc Mỹ.

Nhưng thử hỏi, họ có thu hút cho câu lạc bộ của Việt Nam lực lượng cổ động viên từ những quốc gia này? Trong khi đó, một nguồn thu hút ở rất gần là khu vực Đông Nam Á lại đang bị bỏ qua.

Nói đến đây, có thể nhiều đánh giá cho rằng, cầu thủ Đông Nam Á có khi còn không bằng cầu thủ Việt Nam, nhưng đó cũng chính là suy nghĩ của bóng đá Thái Lan trước năm 2018. Mục tiêu nhắm đến ở đây là thương mại, nhưng tất nhiên, các câu lạc bộ cũng cần đưa về những cầu thủ tên tuổi, có sức hút và có trình độ.

Họ tin rằng các cầu thủ Đông Nam Á có thể giúp các câu lạc bộ tiếp cận, làm “thương mại” được với nhiều bộ phận người hâm mộ hơn. Đó là vấn đề tâm lý, chỉ cần nhìn lại việc những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu, Quang Hải, Văn Toàn ra nước ngoài thi đấu đã tạo ra hiệu ứng thế nào từ cổ động viên Việt Nam sẽ thấy tính hiệu quả khi mối quan tâm từ các quốc gia Đông Nam Á khác hướng về V.League…

Có thực mới vực được đạo!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn