MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyện xuống cấp của sân Hàng Đẫy hay chuyện trọng tài vẫn nương nhẹ với những pha phạm lỗi nguy hiểm trong số nhiều vấn đề khiến bóng đá Việt Nam khó thay đổi. Ảnh: Minh Dân/VPF

V.League trở lại và tâm thế của bóng đá Việt Nam

TAM NGUYÊN LDO | 02/04/2024 08:34

Bóng đá Việt Nam sẽ phải tự xác định lại một lần nữa vị trí của mình trên bản đồ bóng đá khu vực, châu lục lẫn thế giới để chọn tâm thế đúng cho hành trình thay đổi.

Những chuyện không mới

Ngay những tháng đầu của năm 2024, bóng đá Việt Nam đã rơi vào cuộc khủng hoảng ở cấp độ cao nhất - đội tuyển quốc gia. Đó là thất bại nặng nề tại vòng chung kết Asian Cup 2023 vào tháng 1, là 2 trận thua liên tiếp trước Tuyển Indonesia ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 (tính cả Asian Cup là 3).

Hậu quả là đội tuyển nam quốc gia rơi xuống vị trí thứ 115 trên bảng xếp hạng FIFA, còn Huấn luyện viên Philippe Troussier bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chấm dứt hợp đồng chỉ sau 1 năm.

Trong mắt rất nhiều người hâm mộ, chiến lược gia 69 tuổi là người chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này. Ông thậm chí còn bị coi là “kẻ phá hoại” Đội tuyển Việt Nam vì 10 thất bại trong 14 trận cầm quân. Thế nhưng, cho đến khi cơn sóng dữ trôi qua được ít ngày, khi bóng đá Việt Nam vẫn phải vận hành theo lịch trình, người ta bình tâm lại và thấy rằng, chính chúng ta đã phá nền bóng đá của mình. Từ lâu rồi chứ không phải bây giờ.

Nói về bóng đá Việt Nam, năm này qua năm khác, nó giống như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đúng là nói mãi thì đau đầu, mệt mỏi thật. Nhưng biết rồi thì làm gì? Biết rồi thì thay đổi thế nào?

Bóng đá Việt Nam vẫn cứ lăn bánh theo kiểu đi đến đâu làm đường đến đó, gặp rắc rối gì thì tìm cách giải quyết. Và khi không giải quyết được, hậu quả luôn kèm theo. Từ chuyện tài chính của các câu lạc bộ, từ chuyện cơ sở vật chất, từ chuyện đào tạo trẻ, tới chuyện chuyên môn, phát huy, phát triển sức mạnh… đụng đến khía cạnh nào đều rụng ra vấn đề đó.

Chẳng hạn như cố gắng chạy theo việc áp dụng VAR, để rồi sự thiếu hụt dẫn đến thiếu sự công bằng cho các đội ở những khu vực khác. Và ngay cả khi có VAR, sai lầm vẫn nhan nhản vì chất lượng công nghệ chưa đủ.

Sau khi ông Troussier bị sa thải, người ta quay về với V.League để xem điều gì sẽ đến tiếp theo. Có một sự thức tỉnh nào từ chính mình hay không. Cuối cùng thì trận đấu giữa 2 đội ở nhóm cuối bảng diễn ra nhạt nhẽo, trong khi lẽ ra nó phải đầy ắp sự quyết tâm. Là những pha phạm lỗi nguy hiểm vẫn xuất hiện, mà trong đó, trọng tài bị cho là không nghiêm khắc. Là câu chuyện sân Hàng Đẫy phải thu hẹp kích thước tạm thời do có tình trạng sụt lún…

Xác định tâm thế

Còn nhiều chuyện khác nữa đã, đang tồn tại nhiều năm qua và sẽ khó giải quyết trong thời gian ngắn.

Đã từ lâu rồi, bóng đá Việt Nam vẫn tự huyễn hoặc mình về sự phát triển mạnh mẽ, đại diện là thành công của đội tuyển và các đội trẻ ở khu vực cũng như châu Á. Ngay cả khi đội tuyển có thành tích dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo, giới chuyên môn vẫn nói rằng, đó không phải là xuất phát và dựa trên một nền tảng vững chắc.

Thất bại của đội tuyển dưới thời ông Troussier xác nhận lại một lần nữa điều đó. Và câu hỏi đặt ra, chúng ta sẽ xác định cho mình tâm thế nào từ thời điểm này? Chúng ta từng có giai đoạn mạnh hơn Indonesia, từng khiến bóng đá Thái Lan vất vả, nhưng thực tế thì ai tự tin khẳng định nền bóng đá Việt Nam mạnh hơn Thái Lan?

Và giờ đây, khi bóng đá Indonesia chuyển mình với cách làm của họ, chúng ta có chấp nhận coi mình là “cửa dưới” để bắt đầu thay đổi? Người ta nói, những kẻ thua cuộc luôn phải nỗ lực nhiều hơn, không chỉ về chuyên môn, mà phải xác định được tâm thế. Các câu lạc bộ hùng mạnh như Barcelona, Manchester United đã và đang trong giai đoạn khó khăn.

Bóng đá Việt Nam cũng vậy. Một khi không sẵn sàng xây từ nền móng, muốn tìm đến thành công thì lại phải chờ một giai đoạn nữa, một thế hệ tài năng nào đó nổi lên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn