MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong nhiều năm, V.League vẫn đi trên hành trình của mình nhưng để lại nhiều hình ảnh chưa thể gọi là chuyên nghiệp thực sự. Ảnh: Minh Dân

V.League và giai đoạn mới: 20 năm chuyên mà không chuyên

TAM NGUYÊN LDO | 31/10/2022 06:30
30 tuổi, Premier League phát triển ngày càng mạnh mẽ, trong khi V.League hơn 20 năm vẫn chưa đâu vào đâu…

Bóng đá Việt Nam đã đi qua nhiều năm, nhiều mùa giải, nhưng để được gọi tên chuyên nghiệp, cột mốc được đánh dấu là năm 2000. Từ thời điểm đó, giải vô địch quốc gia chính thức mang tên V.League.

Khi giải đấu được gắn thêm 2 chữ “chuyên nghiệp”, mọi thứ cũng được yêu cầu cao hơn cả về chất lượng chuyên môn lẫn hình ảnh. Sự có mặt của các cầu thủ ngoại là một điểm rất thu hút và người hâm mộ kỳ vọng về bước tiến mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, 5 năm, 10 năm rồi 20 năm, giới chuyên môn cũng như truyền thông vẫn lặp đi lặp lại một điệp khúc: “Chuyên mà không chuyên”. Nó xuất phát từ nhiều vấn đề, từ trên xuống dưới.

Có hoạch định và mục tiêu cụ thể cho từng bước phát triển, nhưng sự kiên nhẫn lại là thứ xa xỉ. Từ lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho đến các câu lạc bộ, tất cả đều sớm muốn có thành tích sớm. Thành tích đương nhiên là ai cũng muốn, nhưng hành động theo cách ngắt ngọn, đón đầu, ăn xổi…

Để rốt cuộc, thành tích có thể đến với câu lạc bộ nào đó, nhưng không hề dài hạn. Mỗi mùa giải vẫn phải tìm ra đội vô địch, nhưng ai cũng thấy rằng, bảng vàng thành tích thường phải gắn với một thương hiệu nào đó.

Sự đầu tư của doanh nghiệp vào bóng đá là điều tích cực, đáng ghi nhận, nhưng từ khao khát và tham vọng ban đầu, doanh nghiệp cũng bị cuốn vào vòng xoáy của V.League, nơi có rất nhiều câu chuyện nhạy cảm. Vậy nên, không có nhiều doanh nghiệp có thể trụ lại lâu dài.

Trong mọi vấn đề, “tiền đâu” luôn là vấn đề đầu tiên. Doanh nghiệp là trợ lực chứ không thể trở thành nền tảng. Về cơ bản, người ta hiểu rằng, bóng đá phải nuôi được bóng đá. Nhưng lên đến tuổi đôi mươi rồi, vẫn chưa thể nuôi nổi mình… Bản quyền truyền hình, trong nhiều năm, chỉ là câu chuyện “hàng đổi hàng”, có mà như không có.

Cũng vì tư duy đặt nặng thành tích, chẳng mấy câu lạc bộ quan tâm đến cơ sở hạ tầng, đào tạo trẻ. Yếu tố kinh doanh, marketing ở V.League là khái niệm hoàn toàn xa lạ. Một số ít đội bóng nhận được sự tài trợ ổn định, số khác thì quá chật vật trong chuyện kinh tế.

Và đến một lúc, người ta bảo, “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”… Thành quả của đội tuyển quốc gia hay các đội trẻ trên đấu trường quốc tế chỉ đến từ sự nhặt nhạnh quân số ở các câu lạc bộ hàng đầu thay vì được mở rộng lựa chọn.

Khi vinh quang, người ta bỏ qua những vấn đề. Khi có biến cố, lại có những bài học được rút ra. Nhưng điểm chung là đâu lại hoàn đó.

Trong 1 thập kỷ trở lại đây, sự hình thành của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) giúp người ta có “cảm giác” chuyên nghiệp hơn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khía cạnh khác còn chưa thể đồng bộ.

Sự chuyên nghiệp chưa đến ở nhiều câu lạc bộ, cầu thủ. Sự chuyên nghiệp chưa đến trong ý thức, để mỗi nơi một phách, tạo nên một hành trình lộn xộn.

Một lần nữa, những thành công của đội tuyển quốc gia và đội trẻ trong giai đoạn huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt lại làm người ta quên đi các vấn đề nội tại. Có thể, công tác đào tạo trẻ đã được chú trọng hơn nhưng chưa đồng bộ. Rồi vẫn có câu lạc bộ phải giải thể vì vấn đề tài chính, kéo theo nhiều hệ lụy.

Kể lại những vấn đề của 20 năm qua thì mãi không hết. Và vì thế, người ta tự hỏi, liệu sự kiên nhẫn đã đi đến giới hạn? Premier League kỷ niệm tuổi 30 trong sự thăng hoa cực thịnh, còn V.League 22 tuổi vẫn chưa thể tự bước đi một cách vững vàng…

Thế nhưng, đã và đang có những dấu hiệu để V.League “buộc phải thay đổi” cho giai đoạn mới…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn