MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều ngày 24.8, buổi họp trực tuyến giữa VPF, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cùng 27 câu lạc bộ V.League và hạng Nhất đã diễn ra. Ảnh: T.L

V.League và nghịch lý của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

PHẠM ĐÌNH LDO | 27/08/2021 06:54
V.League không thể là sân chơi chuyên nghiệp nếu các câu lạc bộ không chuyên nghiệp từ những vấn đề căn bản. 

Khi “cuộc chơi” bị từ bỏ

Cuộc họp giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với 27 câu lạc bộ chuyên nghiệp (14 đội V.League và 13 đội hạng Nhất) chiều 24.8 đã diễn ra rất căng thẳng.

Toàn bộ 27 câu lạc bộ đều đồng ý với việc huỷ các giải đấu V.League, hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Cuộc chơi mà những câu lạc bộ làm nhân vật trung tâm nhưng chính họ lại là những người đồng lòng từ bỏ. Chính những ý kiến gay gắt của một số câu lạc bộ trước đó với truyền thông đã khiến Ban chấp hành VFF chủ trương dừng giải. Mà Ban chấp hành VFF lại gồm nhiều đại diện các câu lạc bộ trong đó.

Dừng giải hay huỷ giải ở thời điểm này là quá vội vàng nếu như thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng dường như đó là cách để nhiều câu lạc bộ tự giải thoát khỏi gánh nặng tài chính. 

Với những nền bóng đá chuyên nghiệp khác, chỉ khi các giải đấu diễn ra, các cầu thủ được đá bóng thì mới mong thu lợi nhuận từ các nguồn quảng cáo. Nhưng với các câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam thì dừng giải lại là phương án “giải thoát”. Đó là nghịch lý của bóng đá Việt Nam sau 20 năm lên chuyên nghiệp. 

Đáng nói hơn, buổi họp lấy ý kiến về các đội bóng về việc dừng tổ chức các giải chuyên nghiệp quốc gia 2021 đã trở thành màn “đấu tố”, công kích của một số câu lạc bộ với VFF và VPF. 

Trong đó, ý kiến của một số câu lạc bộ như: Hải Phòng, Phố Hiến, Quảng Nam, Sông Lam Nghệ An cùng quan điểm đề nghị cải tổ bộ máy VPF. Thậm chí, đại diện các câu lạc bộ Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Phố Hiến còn yêu cầu VPF tổ chức đại hội cổ đông để bàn về việc thay đổi nhân sự ở đơn vị này. 

VPF có đáng bị công kích?

Những ý kiến công kích tổ chức mà chính họ trước đó 9 tháng đã trực tiếp bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị VPF. Trên thực tế, VPF trong hơn 1 nhiệm trì do ông Trần Anh Tú làm Chủ tịch có hoàn thành nhiệm vụ? 

Xin trích dẫn ý kiến của ông Lê Văn Thành - Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ tại cuộc họp trước những ý kiến này. Ông Thành nói: “Thời điểm ông Trần Anh Tú đảm nhiệm VPF từ cuối năm 2017 đến nay là cực khó khăn, đặc biệt là tài trợ. Các giải đấu từ 2018 đến nay đều thành công. Các ý kiến phát biểu khác của những thành viên mới bước vào lãnh đạo như Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Phố Hiến chưa thật sự công bằng và có cái nhìn bao quát.

Các thành viên Ban Chấp hành VFF đều không đứng ngoài cuộc, luôn theo sát bóng đá Việt Nam. Cần ghi nhận đóng góp VPF với bóng đá Việt Nam; cần nhìn nhận công bằng, khách quan, đánh giá những điều làm được và chưa làm được”.

Ông Trần Anh Tú là thành viên thường trực Ban chấp hành VFF, là một trong những đại diện của VFF được giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị VPF. Những dấu ấn về việc điều hành các giải chuyên nghiệp quốc gia, đặc biệt trong công tác vận động tài trợ được thể hiện bằng những con số qua từng mùa giải. Đây là định lượng rõ nhât để đánh giá về việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không. 

Xét một cách khách quan, nếu các câu lạc bộ có ý kiến phê phán VPF cũng nên nhìn một cách tổng thể rằng Hội đồng quản trị hiện tại có đến 6 thành viên. Ngoài ông Trần Anh Tú, 2 cá nhân đại diện vốn của VFF là ông Nguyễn Minh Ngọc và bà Đinh Thị Thu Trang.

Đặc biệt 3 cá nhân đại diện vốn của 22 câu lạc bộ chuyên nghiệp là các ông Nguyễn Quốc Hội, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Minh Dũng. Trách nhiệm của những thành viên Hội đồng quản trị VPF đại diện cho câu lạc bộ chuyên nghiệp ở đâu? 

Đứng trên phương diện của những người điều hành, quản lý, tổ chức các giải chuyên nghiệp quốc gia, rõ ràng tất cả đều muốn các giải đấu được diễn ra và sẽ không vội vàng đi đến quyết định dừng hay huỷ. Nhưng chính các câu lạc bộ lại muốn kết thúc cuộc chơi thay vì đưa ra những ý kiến với tinh thần cầu thị. 

Muốn có các giải bóng đá chuyên nghiệp, cần phải có những câu lạc bộ chuyên nghiệp. Nhưng câu hỏi được đặt ra, những đội bóng ở giải đấu cao nhất là V.League đã thực sự chuyên nghiệp?

Theo thông báo của VFF, cho đến trước thời điểm mùa giải 2021 diễn ra, vẫn có đến 4 đội không đạt chuẩn cấp phép gồm: Hải Phòng, Nam Định, Sông Lam Nghệ An và Hà Tĩnh. Tất cả đều được đặc cách để dự V.League. Nhưng có 3/4 đội bóng này lại luôn muốn dừng, huỷ giải trong những trường hợp khó khăn. 

Ở thời điểm mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất cần những đóng góp mang tính xây dựng thì lại luôn đối diện với những nghịch lý. Ngay cả từ những ý kiến của các câu lạc bộ cũng vậy, ai dám đảm bảo không có những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. 

Trích ý kiến của ông Nguyễn Húp - đại diện câu lạc bộ Quảng Nam: “Đề xuất phương án tham dự các giải của AFC. Phương án 1: Viettel, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai. Phương án 2: Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Than Quảng Ninh. Tuy nhiên, Than Quảng Ninh đang gặp khó khăn, đề nghị VPF đề xuất câu lạc bộ khác có tiềm lực tài chính tham dự”.

Câu hỏi dành cho ông Húp: Tại sao lại đề xuất câu lạc bộ Hà Nội - đội bóng xếp thứ 7 sau 12 vòng đấu và đang nằm trong nhóm cạnh tranh suất trụ hạng? Nếu Than Quảng Ninh khó khăn, tại sao không phải là việc đề xuất cho đội bóng xếp thứ 4 là Nam Định?

Bóng đá là sân khấu 4 mặt, và người xem qua một cuộc họp huỷ giải giữa mùa dịch cũng nhìn ra những nghịch lý đáng buồn, đến từ chính các câu lạc bộ đang mang danh chuyên nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn