MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Truyền thông khắp nơi hòa chung vào làn sóng chỉ trích nhằm vào European Super League. Ảnh: The Guardian

Vội vàng chỉ trích European Super League, coi chừng “việt vị”!

TAM NGUYÊN LDO | 19/04/2021 20:43

Dường như càng nhiều sự chỉ trích dồn về phía European Super League sẽ giúp cho mục đích của 12 đội bóng sáng lập sẽ đạt được.

Mùa Hè chuyển nhượng chưa đến nhưng 12 câu lạc bộ danh tiếng ở Châu Âu đã cùng nhau tạo ra một quả bom tấn có sức nặng hơn bất kỳ thương vụ nào từ trước đến nay. Giải đấu mang tên European Super League được ví như “một cú đấm” vào yếu huyệt của Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) và buộc Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) phải ra tay một cách chính thức.

Sức nặng từ một thông báo mà 12 câu lạc bộ gồm AC Milan, Arsenal, Atletico Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Real Madrid và Tottenham Hotspur đưa ra tác động nhanh chóng, sâu và rộng trong thế giới bóng đá, xuất hiện trong các câu chuyện của cổ động viên, trong bình luận của các chuyên gia, trong đánh giá của các quan chức và cả nhận định của nhiều chính trị gia…

Cũng có thể ví von rằng, tin tức này chẳng khác nào một cơn sóng thần, gây chấn động toàn thế giới, mặc dù chỉ là thông báo của 12 câu lạc bộ sáng lập. Vì sao chuyện của các đội bóng Châu Âu lại ảnh hưởng ra khắp thế giới? Vì khi FIFA đã có sự can thiệp, nó liên quan đến nhiều siêu sao hàng đầu, có quốc tịch ở khắp nơi trên hành tinh này đang và sẽ đầu quân cho các câu lạc bộ.

Những ông chủ “đầu có sỏi” như Florentino Perez và Andrea Agnelli biết hành động thế nào để gây sức ép. Ảnh: AFP
Sự hình thành của giải đấu đã tạo ra tranh cãi và sự phản đối một cách kịch liệt, dù bức tranh mà họ vẽ ra là “những trận đấu đỉnh cao, những khoản thu khổng lồ”. Để hiểu được mức độ phản đối thì ngay trong chính các cổ động viên của 12 câu lạc bộ cũng đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích.

Tuy nhiên, từ một góc độ khác, dường như “những kẻ dám đứng lên nổi loạn” này đang đạt được mục đích của mình. Ngược lại, những lời chỉ trích, những tuyên bố, những hành động sớm được đưa ra, rất có thể, sẽ “ở vào thế việt vị”.

Biết đâu, ý đồ của 12 đội bóng không phải là giải đấu mới?

Những ý đồ sâu xa…

Thứ nhất, họ chưa có một tuyên bố nào nhắc đến từ “chính thức”. “12 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Châu Âu hôm nay cùng nhau thông báo rằng họ đồng ý thành lập một giải đấu mới, Super League, được điều hành bởi các câu lạc bộ sáng lập”. Không có một từ “chính thức” nào cả.

Động thái tiếp theo, vào thứ Hai (19.4), một lá thư của 12 câu lạc bộ được gửi đến UEFA, trong đó nói rằng, họ “sẽ thực hiện các bước pháp lý tại các tòa án giấu tên để bảo vệ lợi ích của họ khi họ thành lập giải đấu”. Cũng không có một từ “chính thức” nào cả.

2 bình luận viên Jamie Carragher và Gary Neville chỉ trích Liverpool cùng Manchester United rất nặng nề vì quyết định tham gia
thành lập European Super League. Ảnh: Sky Sports
Thứ hai, với thông tin về việc giải đấu được chống lưng bởi ngân hàng JP Morgan, động thái này chẳng khác nào một sự quảng bá tuyệt vời cho ngân hàng của Mỹ này?

Thứ ba, dù nhấn mạnh vào những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tình hình kinh tế để buộc phải nghĩ đến cách cứu mình, cứu bóng đá khu vực và thế giới, nhưng thực tế, ai cũng hiểu rằng tác động xảy ra trong ngắn hạn. Khi đại dịch qua đi, họ vẫn sẽ lại là những đội có nguồn thu lớn hàng đầu khi khán giả trở lại.

Khó khăn là thực tế, nhưng trong 12 đội bóng đó có những ông chủ người Mỹ, có những ông trùm khét tiếng giàu có từ Trung Đông, có tỉ phú người Nga, có ông trùm ngành xây dựng Tây Ban Nha hay có danh tiếng để không phải lo đến chuyện lụn bại…

Thứ tư, chính nhờ những lời chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía, ESL muốn tất cả hướng sự chú ý trở lại UEFA. Họ muốn tthúc đẩy UEFA hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc thay đổi Champions League.

Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino cùng Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, sớm có tuyên bố cứng rắn, nhưng liệu hành động đó có vội vàng? Ảnh: AFP
Mặc dù UEFA đã cân nhắc và đã vạch ra một số điểm, nhưng ESL có nhấn mạnh ở cuối thông báo của mình rằng: “Chúng tôi nhận thấy các giải pháp được đề xuất không giải quyết được các vấn đề cơ bản, bao gồm việc mang đến các trận đấu chất lượng cao hơn và nguồn tài chính bổ sung hệ thống bóng đá”.

Khi UEFA tiến hành cuộc họp khẩn vào chiều thứ Hai (giờ địa phương), thì dường như, mục đích của ESL đã đạt được.

Những ông Chủ tịch dù đầy cá tính nhưng họ thừa biết vị trí của đội bóng ở đâu, thừa biết mình quá nhỏ bé trong thế giới bóng đá và cũng thừa biết không thể quay lưng với các cổ động viên để hành động một cách hợp lý, không vượt quá giới hạn.

Nếu có thể coi đây là một lời cảnh báo có sức nặng, biết đâu, hành động quyết liệt của UEFA sẽ khiến “sự đồng thuận của 12 câu lạc bộ được cất vào ngăn kéo” và trong tương lai, JP Bank sẽ là đối tác của UEFA?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn