MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trận chung kết Vovinam nội dung đối kháng hạng cân 55kg nữ tại SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Đăng

Vovinam xứng đáng là quốc bảo võ thuật của Việt Nam

Hoài Việt LDO | 18/11/2023 12:38

Qua từng giải đấu, những người làm chuyên môn Vovinam đều muốn phát triển được tinh hoa tinh thần võ Việt ra bên ngoài để quảng bá được nét đẹp con người Việt Nam.

Nỗ lực phát triển không ngừng

Theo Quyết định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phê duyệt ngày 10.11, nội dung ghi rõ: “Đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Trí thức dân gian Vovinam-Việt Võ Đạo TP Hồ Chí Minh”. Việc Vovinam được nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một trong những niềm vinh dự cho những người đã và đang phát triển môn võ đặc trưng của chúng ta từ lịch sử cho đến nay.

Theo ghi nhận, Việt Võ Đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam được cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Về sau, môn võ đã được gọi là Vovinam với hai phần gồm Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo).

Tháng 4.2023 vừa qua tại Bình Dương, Việt Võ Đạo đã long trọng tổ chức kỷ niệm 85 năm thành lập (1938-2023) từ đó ôn lại truyền thống của Vovinam trong hành trình xây dựng, phát triển võ Việt và tiếp tục đưa ra định hướng giúp môn võ của chúng ta phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới - ông Mai Hữu Tín từng bày tỏ: “Việc Vovinam được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia là thành quả của bao thế hệ trong quá trình 85 năm hình thành, phát triển môn phái từ khi sáng tổ Nguyễn Lộc lập môn võ này. Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam thành di sản văn hoá phi vật thể của thế giới...”.

Trong cả nước, hiện có hơn 40 địa phương đào tạo phát triển thành tích cao võ Vovinam. Ghi nhận thực tế tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 tổ chức năm ngoái, đã có gần 400 võ sinh của 36 đơn vị trong cả nước đăng ký thi đấu chính thức môn này. Ngoài ra, võ Vovinam được đưa vào là môn thể thao của chương trình thể chất học đường.

Vươn ra quốc tế

Vào ngày 22.11 sắp tới tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ là chủ nhà tổ chức giải Vovinam vô địch thế giới lần thứ 7. Giải đấu được dự báo thu hút đông đảo các môn sinh Vovinam trên toàn thế giới tham dự tranh tài, từ đó cho thấy sự phát triển sâu rộng của nó.

Thực tế ghi nhận, Vovinam đã nằm trong chương trình thi đấu chính thức hai kỳ SEA Games gần nhất của thể thao Đông Nam Á là SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia.

Trong công tác phát triển nâng cao hơn khả năng tiếp cận ra bên ngoài của Vovinam, đại diện Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tới Thái Lan làm việc để thảo luận cùng Ban tổ chức SEA Games 33 (tổ chức tại Thái Lan năm 2025) để làm thế nào môn Vovinam tiếp tục nằm trong chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội này. Nếu điều này thành hiện thực, đó sẽ là lần đầu tiên Vovinam được tổ chức tại ba kỳ SEA Games liên tiếp.

Mới nhất tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á 2023 (tổ chức tháng 8.2023 ở TP Đà Nẵng), Vovinam chính là môn nằm trong chương trình thi đấu chính thức và thu hút đông đảo vận động viên là các học sinh của từng đoàn đăng ký tham dự. Trong một tương lai xa, thể thao Việt Nam nói chung và Liên đoàn Vovinam Việt Nam nói riêng muốn tìm cơ hội để một lần được đưa vào thi đấu tại đấu trường ASIAD.

Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt từng phân tích: “Thể thao Việt Nam tham dự đấu trường ASIAD ngoài mục đích thi đấu, tranh thành tích huy chương cũng còn tham dự với nhiệm vụ ngoại giao thể thao. Chúng ta là một phần của thể thao châu Á nên luôn tham gia các hoạt động chung, từ đó giúp thể thao châu lục phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện tại, theo ghi nhận của Liên đoàn Vovinam Việt Nam thì Vovinam là môn được phát triển rộng rãi qua từng ngày trên thế giới, và môn võ đã, đang có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 1 triệu võ sinh trên toàn thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn