MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
V.League 2020 sẽ trở lại trong tháng 6 với nhiều đổi mới để chống tiêu cực (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Đăng

VPF có phương án chống tiêu cực khi V.League đổi thể thức

Đăng Huỳnh (thực hiện) LDO | 19/05/2020 06:52

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết, Ban điều hành LS V.League 2020 đã ý thức, có tính toán lên phương án phòng chống tiêu cực khi giải đấu thay đổi thể thức.

Sau khi thể thức mới của V.League 2020 được Ban chấp hành VFF thông qua, có nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra. Ông có thể nói cụ thể hơn về những ưu, nhược điểm của phương án mới này không? 

- Với việc bị dừng khá lâu do dịch COVID-19, việc V.League và hạng Nhất phải thay đổi thể thức thi đấu là cần thiết để đảm bảo các giải bóng đá chuyên nghiệp kết thúc theo đúng kế hoạch, dành thời gian cho đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Thể thức mới đã được Ban Chấp hành VFF thông qua là phương án thích hợp nhất với quỹ thời gian đến ngày 31.10.2020. Ưu điểm của thể thức này đảm bảo số lượng trận đấu vừa phải, không quá ít để trả được quyền lợi của các nhà tài trợ nhưng cũng không quá nhiều gây quá tải cho cầu thủ dẫn đến chấn thương, không đảm bảo phong độ cho các tuyển thủ khi tập trung đội tuyển. Đặc biệt thể thức này cũng tạo điều kiện cho TPHCM và Than Quảng Ninh đang tham dự giải Cup AFC không bị quá tải, không gặp khó khăn nhiều khi AFC công bố lịch điều chỉnh. Giải cũng vẫn còn quỹ thời gian dự phòng, thuận lợi cho việc điều chỉnh lịch thi đấu nếu xảy ra sự cố bất thường như thiên tai, mưa bão…

Tất nhiên thể thức mới cũng có nhược điểm khi một số đội sẽ phải thi đấu nhiều trận trên sân đối phương so với một số đội khác. Hoặc khi vào giai đoạn II, một số đội ở nhóm A đã chắc suất trụ hạng nhưng lại không có động lực phấn đấu giành huy chương thì có thể sẽ thi đấu không hết mình. Hoặc cơ hội tránh suất xuống hạng của đội đứng cuối nhóm B khi vào giai đoạn II cũng sẽ giảm đi do số trận đấu ít đi… 

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không thể có một thể thức nào hoàn hảo trong điều kiện quỹ thời gian eo hẹp như thế này. Ngoài ra chúng ta cũng phải thấy là các đội đều muốn giữ hình ảnh của mình nên họ sẽ phải luôn nỗ lực để không bị khán giả quay lưng lại. 

Phương án này tạo ra một khả năng tiêu cực, khi các đội ở giai đoạn 1 đã đủ điểm trong tốp 8 sẽ buông lỏng những trận còn lại nhằm duy trì lực lượng, dành sức đá giai đoạn 2. Thậm chí, không loại trừ khả năng đội đủ điểm vào nhóm A sẽ nhường điểm cho đội khác. VPF đã có phương án gì để ngăn ngừa điều này?

- Theo điều lệ giải chuẩn bị ban hành, số điểm cũng như các thông số như bàn thắng thua, thẻ vàng thẻ đỏ đều được giữ nguyên khi vào giai đoạn II, do vậy các đội sẽ phải thi đấu hết mình ở giai đoạn I để có được thứ hạng cao ở giai đoạn II. 

Việc một đội đã đủ điểm để vào giai đoạn II ở thể thức thi đấu mới này cũng giống như trường hợp một đội đã đủ điểm trụ hạng ở cuối mùa giải ở thể thức thi đấu trước đây. Vì vậy dù ở thể thức thi đấu nào cũng có những tình huống giống nhau xảy ra. Việc chống tiêu cực không phải chỉ trong trường hợp mà phóng viên đặt ra mà VFF và VPF đều phải chống trong mọi trường hợp. Ngoài việc kết hợp với Bộ Công an, hiện nay chúng tôi còn có 2 đơn vị nước ngoài theo dõi tất cả các trận đấu để hỗ trợ cho VFF và VPF phát hiện các hiện tượng tiêu cực. 

Thi đấu theo phương thức mới sẽ giúp V.League 2020 giảm được 7 vòng đấu so với phương án tổ chức ban đầu đá 2 lượt. Điều này có ảnh hưởng đến việc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ giải đấu? 

- Chắc chắn là ảnh hưởng do thời gian trả quyền lợi bị rút ngắn lại cũng như những quyền lợi tính theo số trận đấu sẽ bị giảm đi. VPF sẽ phải lên phương án để đàm phán với các nhà tài trợ để làm sao vẫn trả đủ quyền lợi cho nhà tài trợ, vừa tránh thiệt hại cho nhà tài trợ cũng như tránh thiệt hại cho VPF. 

Một vấn đề được quan tâm là các sân vận động có mở cửa đón khán giả hay không khi giải đấu được tổ chức trở lại. Ông có thể nói rõ hơn về phương án tổ chức ở các câu lạc bộ?

- Việc cho khán giả vào sân hay không; hoặc nếu cho khán giả vào sân thì số lượng khán giả được vào sân bao nhiêu hay bố trí khán giả trên sân như thế nào… sẽ do Ban tổ chức trận đấu địa phương quyết định sau khi làm việc với chính quyền địa phương và ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 địa phương. Điều chắc chắn là các Ban tổ chức địa phương sẽ phải thực hiện theo chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Thông điệp mà ông muốn gửi đến các câu lạc bộ và người hâm mộ khi V.League 2020 được trở lại sau dịch COVID-19 là gì? 

- Người hâm mộ cũng như cả nền bóng đá đang mong chờ các trận đấu trở lại. Điều quan trọng chúng ta phải luôn ghi nhớ là dịch COVID-19 vẫn còn rình rập, nguy cơ tái bùng phát dịch sẽ xảy ra nếu chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Vì vậy, tôi rất mong khán giả, người hâm mộ cũng như mọi người luôn tích cực phòng chống dịch COVID-19, để cuộc sống được bình thường và bóng đá quay trở lại...

- Xin cảm ơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn