MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các câu lạc bộ tại V.League sẽ phải thay đổi nhiều điều, đặc biệt là các vấn đề về tài chính, để cùng nhau nâng cấp giải đấu. Ảnh: Minh Dân

VPF đã thay đổi, giờ đến lượt các câu lạc bộ

TAM NGUYÊN LDO | 13/04/2024 06:30

Lịch thi đấu bóng đá Việt Nam sẽ có sự thay đổi quan trọng từ mùa giải 2024-2025, nhưng kéo theo đó sẽ là những thay đổi từ chính các câu lạc bộ.

Thay đổi từ sức ép

Cuối cùng thì VPF đã có sự thay đổi liên quan đến một trong những vấn đề được nói đến nhiều nhất, không chỉ thời gian gần đây mà đã nhiều năm qua - lịch thi đấu của V.League.

Theo đó, cứ mỗi lần các giải quốc nội phải dừng lại để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia và đội U23 nam thi đấu, luôn có những lời kêu ca, phàn nàn từ huấn luyện viên các đội bóng. Trong khi đó, giới truyền thông, các nhà bình luận đưa ra những phân tích, so sánh về cách sắp xếp lịch thi đấu của nhiều giải đấu khác nhằm rút ra kết luận rằng, cách làm của bóng đá Việt Nam là không hợp lý.

Mặc dù việc tập trung đội tuyển quốc gia có thể theo các kỳ FIFA Days như quy định của cơ quan đứng đầu bóng đá thế giới, nhưng trong khi trung bình các đội tuyển trên thế giới chỉ dành 2 tuần để tập trung, tập luyện, thi đấu (2-3 trận mỗi đợt), nhưng bóng đá Việt Nam thường dành ít nhất 3 tuần. Và điều bất hợp lý nhất là chuyện các giải trong nước phải tạm dừng để nhường chỗ cho các giải đấu của đội U23 - thường kéo dài cả tháng.

Dù ai cũng hiểu V.League chỉ có 14 câu lạc bộ tham dự nên thời gian trong năm có thể sắp xếp khá thoải mái, tuy nhiên, để giải đấu có số lượng đội bóng như vậy kéo dài đến 9 tháng - không khác gì các giải đấu có tới 20 đội, thì quả thực gánh nặng với các câu lạc bộ là rất lớn. Trong khi điều kiện tài chính không phải đội nào cũng đủ dồi dào.

Đương nhiên là việc ngắt quãng mùa giải sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó có việc khiến bóng đá Việt Nam trì trệ trong sự phát triển. Lúc này, khi đội U23 Việt Nam đang tập trung hướng đến giải U23 châu Á 2024, V.League đã tạm dừng trong sự phàn nàn từ một số huấn luyện viên.

Nhưng cũng thời điểm này, VPF đã có động thái thay đổi tích cực, khi thống nhất với các câu lạc bộ rằng, từ mùa giải 2024-2025, V.League sẽ không dừng vì các đợt tập trung của đội U23. Bên cạnh đó là nỗ lực để triển khai áp dụng VAR ở tất cả các trận đấu

Chờ thay đổi từ các câu lạc bộ

Khi VPF đã thay đổi để hướng đến lợi ích của các câu lạc bộ cũng như giải đấu trong nước, câu chuyện từ lúc này là chính các đội bóng cũng phải có sự chuyển biến để góp phần thúc đẩy nền bóng đá phát triển. Như đã nói trên, nhiều câu lạc bộ rất khó khăn trong vấn đề tài chính, nên sự thay đổi phải ưu tiên hướng đến khía cạnh này.

Bên cạnh duy trì, tìm kiếm các đơn vị tài trợ, cách vận hành của thị trường chuyển nhượng tại V.League cũng rất cần phải thay đổi.

Gọi là thị trường chuyển nhượng nhưng thực chất, gần như không có dòng tiền nào thực sự xứng đáng được luân chuyển qua lại giữa các câu lạc bộ. Đa phần là những thương vụ được ký kết sau khi cầu thủ hết hợp đồng, để từ đó, đội bóng mới chỉ mất tiền lót tay cho cá nhân cầu thủ, còn câu lạc bộ trước đó của cầu thủ sẽ không nhận được gì.

Đó là chưa kể việc đội bóng đặt nặng thành tích, không muốn buông cầu thủ ngôi sao cho dù có đề nghị chuyển nhượng. Rõ ràng, bóng đá Việt Nam không hướng đến tư duy “kinh doanh bóng đá”, không biến bóng đá thành “sản phẩm có thể bán” mà bóng đá lâu nay vận hành chỉ như để... tồn tại. Mà ngay cả sự tồn tại đó cũng ở trạng thái thấp thỏm - khi các đội bóng có nguy cơ phá sản bất kỳ lúc nào.

Giải được bài toán kinh tế sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt, mở cơ hội lớn hơn cho sự phát triển của chính đội bóng, của giải đấu.

Bên cạnh đó là sự định hướng về bóng đá phục vụ, bóng đá giải trí, trên cái nền của yếu tố cạnh tranh thành tích. Dẹp bỏ tư duy kèn cựa, đổ lỗi, triệt hạ, đè nhau mà sống, hướng đến tính cống hiến, đẹp mắt, đúng tinh thần thể thao thì không có lý gì không kéo được người hâm mộ đến sân, bán các sản phẩm thương mại...

Tất nhiên, sẽ không thể là sự thay đổi trong ngày một, ngày hai, nhưng trừ khi làm bóng đá theo kiểu thời vụ, tồn tại hay không tồn tại cũng được, sự chuyển biến trong tư duy cần hướng đến yếu tố tài chính bền vững. Chẳng phải chúng ta vẫn nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn