MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2020 - 2023. Ảnh: K.A

VPF và “cơn sóng ngầm” nơi hậu trường

KHÁNH AN LDO | 28/09/2021 09:34
Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chính thức bác lá đơn của 6 câu lạc bộ về yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường VPF.

Cơ sở pháp lý nào cho VPF?

Văn bản trả lời của VPF với 6 đội bóng (Nam Định, Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Quảng Nam) đã nêu rõ việc “không đủ cơ sở” để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty này như yêu cầu từ một nhóm đội bóng. Chiếu theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty VPF, các cổ đông, ở đây là đội bóng dự giải được yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường trong một số trường hợp.

Ở các khoản 2 và 3, điều 115, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rõ cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm từ 5% cổ phần công ty có quyền yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Theo điều lệ, ngoài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nắm 35.6% cổ phần, các đội bóng V.League mỗi đội nắm 3.9% cổ phần.

Như vậy, bước đầu có 6 đội bóng đồng loạt gửi đơn đề nghị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường là phù hợp với luật. Tuy nhiên, ở điểm a và b, khoản 3, điều 115 cũng quy định 2 trường hợp được triệu tập đại hội cổ đông khi: “Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao” và “Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty”.

Với Điều lệ của VPF, sẽ phát sinh thêm 2 trường hợp khác để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường là: “Xét thấy yêu cầu cần thiết vì lợi ích công ty” hoặc khi “số thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) bị giảm quá 1/3 so với quy định”.

Các cổ đông, mà cụ thể là các đội bóng có quyền yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường nhưng cần đưa ra các lý do cụ thể, mang tính chính xác, không quy chụp. Đặc biệt, nếu dựa vào lý do về HĐQT vi phạm quyền cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền lãnh đạo thì cần đưa ra chứng cứ cụ thể kèm văn bản.

“Cơn sóng ngầm” chưa dứt tại VPF

Năng lực quản lý thể thao của bầu Tú, ít nhất ở bộ môn futsal đã được thể hiện qua 2 tấm vé dự FIFA Futsal World Cup và cả 2 lần đội tuyển futsal Việt Nam đều vượt qua vòng bảng. Hơn nữa, futsal vẫn đang có được những bước phát triển mạnh mẽ, ổn định chứ thành tích không mang tính thời vụ.

Nhưng sau những ngày tháng ngọt ngào tại Lithuania, bầu Tú sẽ trở về với những “cơn sóng ngầm” chưa bao giờ dừng lại tại VPF. Ngay khi 6 câu lạc bộ gửi đơn yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông, vẫn đang có một cuộc vận động hành lang khác với các đội bóng thuộc diện “trung lập”, chưa ngả về nhóm nào.

Những đội bóng trung lập được hứa hẹn về sự “tương trợ” nhiều mặt về lực lượng, thậm chí là hơn cả những gì chúng ta từng thấy ở V.League 2 năm qua. Có đội bóng đã chọn việc thu mình lại, nhưng có đội bóng khác quyết định bắt tay bởi họ chưa có thực lực nội tại để phát triển chính bản thân mình.

Nhìn vào cơ cấu cổ đông tại VPF, trong hoàn cảnh này mới hiểu tại sao VFF nên là đơn vị nắm 35.6% cổ phần. Theo Luật Doanh nghiệp, con số 35.6% đảm bảo rằng tất cả Đại hội cổ đông dù là thường niên hay bất thường của VPF đều cần sự tham gia của VFF thì mới đảm bảo số cổ đông chiếm 65% cổ phần.

Về quy định nắm giữ số cổ phần biểu quyết và quyền biểu quyết đi kèm, VFF có quyền phủ quyết một số quyết định lớn của VPF, nhưng cũng phải đạt được sự đồng thuận nhất định từ một số đội bóng thì mới đạt mức 36% số cổ phần phủ quyết, hoặc 51% số cổ phần biểu quyết đồng thuận để các nghị quyết được thông qua hoặc không thông qua.

Như vậy, “cán cân quyền lực” giữa ông bầu hoặc một nhóm ông bầu với VFF, VPF là tương đối cân bằng. Đây là cơ sở để cả 2 bên có thể ngồi lại cùng nhau nhằm giải quyết tình trạng “sóng ngầm” dữ dội như hiện tại. VFF không thể “thích làm gì thì làm”, nhưng phía nhóm các câu lạc bộ cũng không thể vừa dự giải vừa đóng vai trò “điều khiển cuộc chơi” theo ý mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn