MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐT Croatia đã giành quyền đi tiếp nhờ loạt đá luân lưu. Ảnh: AFP

World Cup 2022: Đá penalty có phải là may rủi?

TAM NGUYÊN LDO | 07/12/2022 06:00

World Cup 2022 đã chứng kiến trận đấu đầu tiên phải giải quyết trên chấm 11m mà ở đó, các cầu thủ Nhật Bản bị đánh giá là yếu tâm lý…

Tính đến hôm nay, World Cup 2022 đã khép lại các trận đấu vòng 1/8. Trong số 8 trận đấu, màn đối đầu giữa tuyển Croatia và tuyển Nhật Bản phải giải quyết bằng loạt luân lưu. “Đấu súng” luôn là một phần rất được quan tâm tại các vòng knock-out của bất kỳ giải đấu lớn nào.

Mọi sự căng thẳng, kịch tính được đẩy lên cao nhất vào khoảng thời gian đó sau 120 phút kịch chiến đến cạn kiệt sức lực. Tất nhiên, khi đó lại là chuyện của các cá nhân chứ không phải sức mạnh tinh thần của cả tập thể nữa.

Nhiều người nói, đá luân lưu là “may rủi”, điều đó không sai, nhưng không chiếm phần lớn trong yếu tố quyết định chiến thắng. Nếu là chuyện may rủi, người Anh đã không phải sợ hãi đến thế mỗi lần nhắc đến loạt sút luân lưu. Qua nhiều thế hệ cầu thủ, “Tam Sư” mới chỉ thắng 2 trong 9 lần phải giải quyết trận đấu trên chấm 11m.

Ngược lại, Croatia - nền bóng đá vốn không nằm trong nhóm các “ông lớn”, nhưng gây ấn tượng mạnh mỗi khi phải bước vào cuộc chơi cân não. Trước khi thắng Nhật Bản vào rạng sáng 6.12 (giờ Việt Nam), ở World Cup 2018, họ thắng tuyển Đan Mạch và Nga trên hành trình vào chung kết.

Để nói về bản lĩnh tạo ra sự lì lợm, Luka Modric còn trải qua 120 phút căng thẳng trước chính đội tuyển Anh ở bán kết trên đất Nga cách đây 4 năm. Vậy, bí quyết nào cho các đội tuyển tìm kiếm thành công trên chấm 11m?

Thời gian chờ

Theo tác giả Ben Lyttleton khi nghiên cứu các pha đá luân lưu cho cuốn sách “Mười hai thước Anh: Nghệ thuật & Tâm lý của quả phạt đền hoàn hảo”, ông nhận thấy rằng, một quả phạt đền vội vàng ít có khả năng thành công hơn nhiều.

“Đó là một trong những phát hiện lớn nhất của tôi”, ông nói, “Trọng tài thổi còi để báo hiệu rằng bạn có thể thực hiện quả đá phạt khi bạn đã sẵn sàng. Nó không phải là tiếng súng lệnh và bạn phải đá ngay lập tức”.

Trước năm 2018, các cầu thủ Anh thường cố gắng thực hiện quả phạt đền càng nhanh càng tốt, với việc Jamie Carragher đã thực hiện cú đá ở trận gặp Bồ Đào Nha tại EURO 2004 ngay cả trước khi trọng tài thổi còi.

Những quả phạt đền của đội tuyển Anh ở 2 giải đấu gần đây cho thấy huấn luyện viên Gareth Southgate đã giải quyết được vấn đề, nhưng vẫn có thể thấy những cầu thủ hàng đầu khác không chú ý đến vấn đề thời gian chờ.

Lyttleton nói: “Khi Kepa [Arrizabalaga] bỏ lỡ quả phạt đền quyết định cho Chelsea trong trận chung kết League Cup mùa trước với Liverpool, anh ấy đã đợi chưa đến 1 giây.

Và khi Pháp thua Thụy Sĩ tại EURO mùa hè năm ngoái, Kylian Mbappe thực hiện quả phạt đền nhanh nhất, khi đợi chưa đầy 1 giây sau khi trọng tài thổi còi và đã hỏng ăn”.

Ở World Cup 2022, hãy xem cách Neymar hạ Kim Seung-Gyu, cho dù thủ thành của đội tuyển Hàn Quốc gây áp lực tâm lý bằng cách đứng lệch sang một bên. Neymar chờ kết thúc tiếng còi vài giây rồi mới thực hiện cú đá của mình...

Với các cầu thủ Nhật Bản, với sự lo lắng của mình, họ gần như thực hiện cú đá khi vẫn chưa quyết định được sẽ đá về hướng nào hoặc theo dõi hành động của thủ môn Dominik Livakovic.

Ngôn ngữ cơ thể

Khía cạnh này áp dụng cho toàn bộ ban huấn luyện và cầu thủ. Ở đây, phản ứng của họ trước cú đá thành công hay thất bại của người thực hiện sẽ mang tính khích lệ hoặc gây áp lực lên cho người đá tiếp theo.

Có thể ai đó sẽ đá hỏng, nhưng thông điệp cần được truyền đi một cách rõ ràng rằng: “Loạt đá luân lưu chưa kết thúc. Trận đấu chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn còn ở đây”. Điều đó đã xảy ra khi đội tuyển Anh thắng Colombia tại World Cup 2018.

“Nhân tố sợ hãi”

Có một sự thật là trong nhiều năm, các đội rất thích và tìm cách đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu khi đối thủ là tuyển Anh. Bởi họ biết bên trong tâm lý cầu thủ Anh bị ảnh hưởng và áp lực từ quá khứ.

Còn đến thời điểm này, nhắc đến cái tên Croatia thì hầu hết sẽ phải e dè nếu nghĩ đến chuyện đá luân lưu.

Rõ ràng, đá luân lưu không phải chuyện may rủi mà là sự rèn giũa thực sự về bản lĩnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn