MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

World Cup 2022: Không phải lúc nào mạnh cũng thắng yếu

TAM NGUYÊN LDO | 25/11/2022 06:20
World Cup 2022 đã khép lại lượt đầu tiên vòng bảng sau trận đấu giữa Brazil và Serbia vào rạng sáng 25.11. Nhìn lại kết quả trên đoạn đường đã qua, tất cả đều đồng tình khẳng định chiến thắng cùng tỉ số 2-1 của Saudi Arabia và Nhật Bản trước Argentina và Đức là bất ngờ lớn nhất.

Tinh thần thể thao

Bất ngờ không chỉ ở riêng kỳ World Cup này, mà bởi lâu nay luôn tồn tại suy nghĩ, quan điểm về sự khác biệt trình độ giữa bóng đá Châu Á với 2 khu vực mạnh nhất thế giới là Châu Âu và Nam Mỹ. Thực tế đúng vậy, và sẽ không quá nếu khẳng định rằng, trình độ sẽ không bao giờ được san bằng cả.

Nhưng, trong cuộc chơi thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, lại có sự tồn tại của cái gọi là “tinh thần”. Chỉ nói “tinh thần” không thì rất nhiều ý nghĩa và áp dụng ở mỗi khía cạnh cuộc sống lại mang một hình hài khác nhau. Với thể thao, tinh thần (có thể hiểu theo hướng) là những thái độ, ý nghĩ định hướng cho hành động, quyết định hành động của con người.

Áp dụng nó cho 2 trận đấu gây sốc nói trên, tinh thần quyết định sự tập trung của 2 đội bị đánh giá yếu hơn (Saudi Arabia, Nhật Bản), trong khi tinh thần lại làm xoay chuyển cuộc chơi của Argentina và Đức.

Giới chuyên môn có thể nhìn thấy, Lionel Messi và các đồng đội khá thất vọng khi 3 lần đưa bóng vào lưới đối phương không được công nhận vì lỗi việt vị. Nhưng họ vẫn thấy thực lực vượt trội của mình, để sau giờ nghỉ, họ nhập cuộc với một thái độ khác. Có phần chủ quan…

Kết quả là 2 bàn thua, kéo theo việc phải đối mặt với đội bóng ở trạng thái tinh thần lên cao, sẵn sàng xả thân - theo đúng nghĩa nếu nói về chấn thương nghiêm trọng ở vùng mặt của hậu vệ Yasser Al-Shahrani. Argentina không thể kéo tinh thần trở lại được nữa…

Nhưng nếu như sự coi thường đối thủ của Argentina không thể hiện quá rõ ràng, hành động của hậu vệ Antonio Rudiger trong trận đấu với Nhật Bản lại khẳng định điều không nên đó. Cầu thủ đang khoác áo câu lạc bộ Real Madrid có thể hình vượt trội so với đối phương, tốc độ hơn, để dễ dàng bứt lên từ phía sau trong pha đua tốc độ.

Nhưng đáng nói là, cách anh chạy (với dáng vẻ như chế giễu, đùa cợt) khi đã vượt lên lại là một sự coi thường. Nói nặng nề hơn là “xúc phạm đối thủ”, thứ không nên tồn tại khi thi đấu thể thao, cả khi bạn mạnh hơn nhiều lần.

Kết quả, cũng với 2 bàn thua ngược, Tuyển Đức của Rudiger đẩy mình vào thế khó ở bảng E… Rudiger bị chính người Đức chỉ trích vì hành động đó…

Tinh thần Châu Á

Người ta nói, nếu đá lại, Nhật Bản không thể thắng. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng đó mới là vấn đề trong thể thao. Tôn trọng đối thủ là điều tiên quyết, giống như tấm hình Messi và Cristiano Ronaldo đánh cờ gần đây đã gây sốt cùng khẩu hiệu “Chiến thắng là một trạng thái của tinh thần”…

Cũng chính bởi sự tôn trọng ấy, Tuyển Anh đã thắng Iran 6-2, Tây Ban Nha thắng Costa Rica 7-0. Nó có giúp họ đứng vững trên mặt đất hay không thì chưa biết, nhưng thắng như đúng thực lực cũng là cách thể hiện sự tôn trọng.

Trở lại với Saudi Arabia và Nhật Bản, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng họ sẽ trở về với hình ảnh thật sự của mình khi gặp các đối thủ tiếp theo (Mỹ, Xứ Wales, Tây Ban Nha, Costa Rica), nhưng cách giành thắng lợi trước Argentina và Đức thể hiện hình ảnh chung của bóng đá Châu Á, với sức mạnh tinh thần luôn là yếu tố vô cùng quan trọng.

Ngay cả khi bỏ qua sự thiếu tôn trọng của đối thủ, họ - và người Châu Á, đều hiểu rằng, phải nỗ lực với hơn 100% khả năng, sức lực khi đối đầu với các đối thủ mạnh hơn. Để “đúng người, đúng thời điểm”, lịch sử sẽ ghi nhận.

Tất nhiên, họ cũng cần phải có thực lực đủ để sự thôi thúc từ sức mạnh tinh thần tạo nên những dấu mốc đáng nhớ.

LỊCH THI ĐẤU

Ngày 25.11

17h: Xứ Wales - Iran

(VTV5, VTV5 Nam Bộ)

20h: Qatar - Senegal

(VTV2, VTV5 Cần Thơ)

23h: Hà Lan - Ecuador

(VTV2, VTV5 Cần Thơ)

Ngày 26.11

2h: Anh - Mỹ (VTV3, VTV Cần Thơ)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn