MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môn Boxing tại SEA Games 31. Ảnh: TTXVN

Yêu cầu trên hết là sự đoàn kết để phát triển

HOÀI VIỆT LDO | 13/10/2022 06:00

Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cần sự vững mạnh không gì ngoài việc đoàn kết, tránh những xung đột ngầm trong nội bộ từ đó công tác quản lý rất khó khăn...

Rất nhiều trường hợp trong các năm đã qua ở các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao tại Việt Nam xảy ra câu chuyện mâu thuẫn nội bộ. Tuy nhiên, có Liên đoàn, Hiệp hội giải quyết được vấn đề nên không xảy ra những chuyện đáng tiếc nhưng không thiếu Liên đoàn, Hiệp hội của môn thể thao cụ thể chưa giải quyết được vì thế xảy ra nhiều sự khiếu kiện khiến người làm nghề không khỏi buồn lòng.

Mới nhất, Liên đoàn quyền Anh (boxing) Việt Nam được cho rằng chưa tạo được sự thống nhất, đoàn kết ở công tác hoạt động quản lý giữa các cá nhân ở cấp lãnh đạo tổ chức này. Đó là một trong những lý do vì sao, người làm chuyên môn khá bất ngờ khi rất nhiều ý kiến phản ánh của một số trọng tài tham gia điều hành SEA Games 31 vừa qua cho rằng chế độ làm việc của mình chưa được giải quyết thấu đáo.

Đáng kể hơn, trang thông tin chính thức của Liên đoàn quyền Anh Việt Nam trên mạng xã hội facebook liên tiếp đưa các văn bản cùng những thông tin vạch rõ chuyện nội bộ ở cấp quản lý từ vai trò của Tổng thư ký Liên đoàn (ông Vũ Đức Thịnh) cho tới sự quản lý của Chủ tịch Liên đoàn là ông Trần Minh Tiến. Bản thân người làm chuyên môn hiểu rằng, nếu một tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao là Liên đoàn quyền Anh Việt Nam có sự thống nhất và đoàn kết chuyên môn thì chắc chắn không xảy ra những câu chuyện phản ánh và đưa tất cả văn bản nội bộ lên mạng xã hội để chỉ trích nhau.

Về việc này, đại diện Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho biết đã nắm được tình hình và yêu cầu bộ môn quyền Anh (Tổng cục Thể dục Thể thao) phải đảm bảo đúng nhất các nguyên tắc về ban hành văn bản cũng như sự điều hành đồng thời có phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn khi ra những văn bản để tránh sự tranh cãi dễ dẫn tới sự không chính xác về thông tin. Lúc này, Liên đoàn quyền Anh Việt Nam của nhiệm kỳ đầu tiên (2015-2019) đã kết thúc chương trình làm việc vào năm 2019 theo đúng thời gian nhưng gần 3 năm, nhiệm kỳ mới của Liên đoàn môn thể thao này vẫn chưa tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới.

Trong khi đó, Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam cũng xảy ra không ít tranh cãi và phản ánh khiếu kiện để có những thông tin đưa lên báo giới về các việc nhân sự quản lý. Là môn được xác định đi đầu về tinh thần thượng võ, có sự đảm bảo tốt nhất không tranh cãi trong nội bộ thế nhưng việc có phản ánh về những ý kiến không bằng lòng cho việc các ứng viên tham gia ứng cử vai trò tân Chủ tịch Liên đoàn thì cho thấy, tính đoàn kết vẫn chưa phải thống nhất.

Thêm một trường hợp không khác là mấy khi Liên đoàn bắn súng Việt Nam tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới khóa bảy (2022-2027) vào đầu tháng 7.2022 thì xảy ra những sự bằng mặt không bằng lòng ở công tác dự kiến bầu chọn nhân sự. Khi đó, giới truyền thông đã ngỡ ngàng khi cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam khóa sáu là bàn Nguyễn Thị Nhung cùng ủy viên ban chấp hành Hoàng Xuân Vinh đã không tái nhiệm, thậm chí không dự đại hội của khóa 7.

Chưa kể ở câu chuyện của Liên đoàn taekwondo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký nhiệm kỳ năm là ông Vũ Xuân Thành bất ngờ không được số phiếu bầu quá bán qua đó bị loại hoàn toàn tại Liên đoàn trong nhiệm kỳ lần thứ 6 (2022-2027).

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao từng bày tỏ, yêu cầu trên hết của Liên đoàn, Hiệp hội môn thể thao chính là sự đoàn kết để từ đó phát triển được tốt nhất những kế hoạch với môn thể thao đó trong các hoạt động trong nước, quốc tế. Nếu không có sự đoàn kết, câu chuyện tranh giành quyền lợi vẫn mãi không kết thúc và hoạt động chung chắc chắn bị ảnh hưởng.

Thể thao Việt Nam hiện có hơn 40 Liên đoàn, Hiệp hội của các môn. Hoạt động trên hết của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này không ngoài mục tiêu là sự hỗ trợ cho ngành thể thao (đại diện trực tiếp là Tổng cục Thể dục Thể thao) trong việc thực hiện tốt mọi hoạt động. Liên đoàn, Hiệp hội thể thao có tiếng nói riêng của mình và có nhiều cơ hội để kêu gọi các nguồn xã hội hóa đồng hành trong các hoạt động. Chỉ tính riêng môn quyền Anh, việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa không khó khăn do đây là môn thu hút sự chú ý của xã hội cũng như tạo được sức hấp dẫn đối với mọi người.

Thực tế, một số câu lạc bộ đang tham gia đào tạo huấn luyện vận động viên quyền Anh và hướng tới các phương thức tổ chức trận so găng có vận động viên tên tuổi để tạo sức hút, tạo nguồn thu thì Liên đoàn quyền Anh và bộ môn quyền Anh (Tổng cục Thể dục Thể thao) vẫn ở thế bằng mặt không bằng lòng do đó rất khó tạo được tiếng nói chung để tổ chức những giải đấu xã hội hóa như thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn