MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chật vật kiếm tiền vẫn không mua được nhà: Năm 2022 giá nhà vẫn còn tăng?

Khương Duy LDO | 31/12/2021 09:35
Giá nhà tăng mạnh khiến giấc mơ an cư của nhiều người trẻ tại các thành phố lớn khó thực hiện. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, giá nhà có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2022.

Mòn mắt tìm kiếm nhà ở giá rẻ

Xuống Hà Nội lập nghiệp được hơn 10 năm, anh Minh An (TP Bắc Kạn - tỉnh Bắc Kạn) vẫn chưa mua được nhà. Cầm trong tay 1 tỉ đồng sau nhiều năm làm lụng vất vả, thế nhưng giấc mơ an cư tại Thủ đô vẫn xa vời.

"Tôi có dự định lập gia đình trong năm 2022 nên quyết định tìm mua nhà giá rẻ. Giá nhà tại Hà Nội khá đắt đỏ nên tôi di chuyển ra vùng ven để tìm kiếm căn hộ giá mềm. Sau 2 tháng trời tìm hiểu các dự án ven Đại Lộ Thăng Long và quốc lộ 32, tôi vẫn không thể tìm được căn hộ chung cư quanh ngưỡng giá 1,1 đến 1,2 tỉ đồng.

Có những dự án treo băng rôn tố chủ đầu tư kín tường, chậm sổ đỏ và xuống cấp trầm trọng nhưng giá vẫn khoảng 1,4 đến 1,7 tỉ đồng/căn. Rõ ràng chung cư là tiêu sản nhưng bạn tôi đã lãi 300 triệu đồng sau 3 năm mua. Giá nhà tăng vùn vụt khiến tôi có cảm giác dù tôi kiếm tiền thêm 4-5 năm nữa vẫn không thể an cư được".

Anh Minh An chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ không thể tìm kiếm nhà ở tại các thành phố lớn vì giá nhà quá đắt đỏ. Anh Nguyễn Duy (Vĩnh Tường -  Vĩnh Phúc) cho biết, mua nhà tại Hà Nội vẫn chỉ là ước mơ. Ảnh: Phan Anh

"Với thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng, dù khá chi li trong việc chi tiêu nhưng mua nhà với tôi là việc ngoài tầm với. Tôi có tham khảo một số dự án nhà ở xã hội, tôi đang cố gắng dành dụm tiền. Nhưng hiện tại với tôi mọi thứ đều quá sức", anh Duy nói.

Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam VRES 2021 vào tháng 12, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, dù dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá nhà nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng năm qua.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Dung cho là vì chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.

Giá nhà khó giảm

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung mới ra thị trường chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tới cuối năm 2021, bất động sản tại nhiều khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc về cả lượt tìm kiếm, giá bán lẫn giao dịch.

Giới chuyên gia nhận định, tình trạng mất cân bằng cung - cầu, giá bất động sản được dự báo sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2022. Ảnh: Phan Anh

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn".

Bên cạnh đó, các chuyên gia DKRA Việt Nam dự đoán các yếu tố như nguy cơ lạm phát, kinh tế phát triển mạnh trở lại sau dịch (GDP năm 2022 dự báo lên đến 6,5 - 7,5%) cũng tạo áp lực tăng giá bất động sản trong năm tới.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nguy cơ lạm phát bao trùm nền kinh tế đang hiển hiện.

“Theo quy luật, bất động sản sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội khi xảy ra lạm phát. Điều này sẽ tăng giá bất động sản, qua đó làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình”, ông Châu nhận định.

Thêm vào đó, giá đất tại TP.HCM, cụ thể là khu vực trung tâm, đang bị đẩy lên một mức mới, từ đó khiến các chủ đầu tư khó tạo lập được quỹ đất và ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở.

“Có thể so sánh các loại hình, phân khúc bất động sản là các bình thông nhau. Khi loại hình hay phân khúc này bị ảnh hưởng thì các loại hình, phân khúc khác cũng chịu tác động tương tự. Tôi cho rằng bất động sản TP.HCM có nguy cơ bị đẩy giá sau cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua”, chủ tịch HoREA nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn