MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một điểm môi giới bất động sản tự phát. Ảnh: Cao Nguyên

Gắn trách nhiệm địa phương để trị “cò đất” thổi giá

Cao Nguyên LDO | 19/04/2022 10:27

Trước tình trạng còn khá nhiều môi giới bất động sản (BĐS) không chuyên nghiệp, thậm chí những người dân bình thường đi làm “cò đất” đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường BĐS, nhiều chuyên gia đề xuất cần gắn với trách nhiệm quản lý của địa phương sở tại để dẹp nạn cò đất.

“Lều” mọc lên như nấm rồi bỏ hoang

Khi thị trường đất trở nên sôi động, buôn bán BĐS được xem là nghề “hái ra tiền”, từ một đồn mười, mười đồn trăm, người người, nhà nhà đổ xô đi làm môi giới. Không ít người tạm gác công việc chính, thậm chí bỏ nghề để chạy theo món nghề môi giới, từ những người làm nghề tự do đến những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước cũng tham gia vào lĩnh vực BĐS.

Chị Nguyễn Hương L là môi giới BĐS (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) tâm sự, trước đây chị làm việc ở lĩnh vực khác, thỉnh thoảng chốt vài lô đất. Sau thấy có duyên nên chị đã cùng chung với mấy người bạn mở công ty để hoạt động độc lập, tính đến nay công ty đã hoạt động được 6 tháng. “Gọi là công ty nhưng nhân viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lương nhân viên chủ yếu trả theo hoa hồng hoặc chênh lệch giá đất bán cho khách hàng” - chị L nói.

Với nhiều hình thức hưởng hoa hồng khác nhau như: Hưởng phần trăm hoa hồng trên giá bán, hưởng lãi chênh tự do nếu bán được giá cao hơn giá chủ nhà bán ra... chính vì thế, những "cò đất” này đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để "tâng giá", kiếm lời dẫn đến giá đất tăng thiếu cơ sở.

Theo ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề môi giới địa ốc, thực tế có thể nhiều hơn do hằng năm cả nước có trên 100.000 giao dịch diễn ra. Ông Lâm nói thêm, nghề môi giới đòi hỏi nghiệp vụ cao. Tuy nhiên, thị trường còn những đơn vị môi giới quy mô nhỏ chưa đảm bảo chuyên môn, chỉ có chiến lược ngắn hạn và chỉ nhìn cái lợi trước mắt.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch BĐS có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu, chưa chú trọng xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý và cung cấp dịch vụ chất lượng.

“Đội ngũ môi giới BĐS hoạt động thiếu chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội lách luật, trốn thuế” - Bộ Xây dựng cho biết.

Trên thực tế, cũng có nhiều nơi khi diễn ra sốt đất các công ty, sàn giao dịch BĐS mọc lên như nấm nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi bỏ hoang.

Cần gắn với trách nhiệm địa phương

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc khối Kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - nhận định, môi giới BĐS phục vụ một cộng đồng lớn, nhưng các chuẩn mực, chế tài chưa tương xứng.

Một công ty môi giới BĐS nhỏ lẻ được lập ra trong 7 ngày, lực lượng nhân sự chỉ một vài người, lại có thể làm tất cả các nghiệp vụ liên quan. Từ thực tế lỏng lẻo này, ông Quang kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên nhanh chóng ban hành các quy chuẩn, điều kiện yêu cầu đối với những cá nhân và công ty môi giới BĐS.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Đông, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16, quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Nghị định này bổ sung hàng loạt hành vi vi phạm của môi giới BĐS sẽ bị xử phạt hành chính.

Nhưng trên thực tế hiện nay, những người tham gia môi giới cũng không giới hạn về đối tượng, ngành nghề hay quy chuẩn. Chính vì vậy, ngoài những môi giới làm việc trong các doanh nghiệp tư vấn, kinh doanh BĐS thì có không nhỏ bộ phận người dân làm nghề tự do "nhảy" vào dẫn khách kiếm lời, vô tình tạo sự xáo trộn thị trường với những thông tin thất thiệt, phần lớn có lợi cho bên bán và môi giới.

Từ đó, luật sư Huy An cho rằng, để Nghị định đi vào thực tiễn cần phải có sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là uỷ ban nhân dân cấp xã. Cần phải gắn việc quản lý môi giới, "cò" đất thổi giá với trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) - đồng tình với các đề xuất cần đặt ra quy chuẩn cho nghề môi giới địa ốc để chấn chỉnh thị trường. Theo ông Khởi, tình trạng lực lượng môi giới tiếp tay thao túng giá đất thời gian qua khiến nhà làm luật cần đánh giá lại việc học, cấp chứng chỉ hành nghề, tăng cường quản lý và số hóa nghề môi giới BĐS cho phù hợp với giai đoạn mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn