MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 tháng chưa sử dụng Quỹ bình ổn khiến giá xăng tăng giảm rất khó lường

Cường Ngô LDO | 14/04/2024 17:03

Từ ngày 4.1 đến nay, giá xăng có 8 lần tăng, 6 lần giảm. Còn dầu diesel có 8 lần tăng, 6 giảm. Dù vậy, từ kỳ điều hành ngày 23.10 năm ngoái đến nay, nhà chức trách liên tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dù quỹ này dư 6.655 tỉ đồng.

Lý do khiến giá xăng tăng giảm rất khó lường

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 11.4), liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giảm 68 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống 23.848 đồng/lít; tăng 20 đồng/lít đối với xăng RON 95, lên 24.821 đồng/lít. Thêm một lần nữa, hai mặt hàng xăng tăng giảm trái chiều trong cùng một phiên.

Lý giải về diễn biến trái chiều của giá mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 4.3 đến ngày 10.4) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Cụ thể, căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; việc gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của OPEC+; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn…

"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen tùy từng mặt hàng nhưng xu hướng chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là 102,1 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 0,01 USD/thùng, tương đương tăng 0,01% so với kỳ trước); 106,5 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 0,23 USD/thùng, tương đương tăng 0,22% so với kỳ trước).

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được cho là hoạt động không hiệu quả. Ảnh: PLX

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng. Cơ quan này cho rằng, phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Tuy nhiên, qua số liệu thống kê, kể từ kỳ điều hành ngày 23.10 năm ngoái đến nay, nhà chức trách liên tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong khi số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỉ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỉ đồng so với năm trước.

Quỹ bình ổn "không giúp bình ổn giá xăng dầu"

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho rằng, quỹ là bình ổn thị trường, song để tồn gần 7.000 tỉ đồng, không được đưa ra sử dụng thì cần đặt câu hỏi về quản lý, vận hành.

“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu nhưng chưa hướng đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, nhẽ ra phải trích Quỹ bình ổn để chặn đà tăng hoặc những biến động trái chiều của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó.

Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát” - ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được liên bộ sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên.

Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong các kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết mặt hàng xăng dầu đều dưới 7%, nên không thể trích Quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng, bê bối trong việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của thương nhân đầu mối trong thời gian qua, được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá và công khai toàn diện. Do đó, nhà điều hành sẽ hạn chế tác động vào việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Do vậy, để kiềm chế đà tăng của giá xăng, ông Thắng cho rằng, cần giải pháp tổng thể và sự tham gia của cả quản lý Nhà nước lẫn cả hệ thống xăng dầu hiện nay.

Trong đó, doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo đủ nguồn xăng dầu khi các chi phí nhập khẩu và chi phí bán buôn đã được tính đúng đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn