MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ cần chú ý có thể phân biệt được đâu là đào thật và đâu là đào giả. Ảnh: Minh Nguyễn.

Bị lật tẩy chiêu làm đào giả, người bán không còn mặn mà kiểu làm ăn này

Minh Nguyễn LDO | 28/01/2022 16:14
Sơn La - Tình trạng đào giả đã không còn đất sống vì năm nay, lượng cây đào trồng tiêu thụ được nhiều và người dân đã cẩn trọng hơn trong việc mua bán.

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, câu chuyện cây đào, cành đào giả hay cụ thể hơn là người bán sẽ gắn nụ hoa cây đào lên cành mận đang được nhiều người quan tâm. Qua tìm hiểu, tình trạng này diễn ra nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có dọc tuyến Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La). Nơi đây được coi thủ phủ đào ở vùng Tây Bắc. 

Tại đây theo quan sát, cây đào, cành đào đã chớm nở, đa dạng nhiều chủng loại khác nhau nên giá cả cũng tùy thuộc vào người mua và người bán, có cành thì vài trăm nghìn đồng nhưng có cây lên đến hàng chục triệu đồng.

Người mua kẻ bán tấp nập, nhiều thương lái, du khách từ nhiều tỉnh thành về chọn cây đào, cành đào cho ngày Tết.

Anh Nguyễn Anh Trọng (30 tuổi, quê Thanh Hóa) - một người thường xuyên mua bán đào ở khu vực huyện Vân Hồ - cho biết, những năm trước cũng có tình trạng người dân dùng cành mận sau đó gắn nụ đào lên để bán vì kiểu dáng cành mận đẹp hơn nên dễ có người mua, nhưng giá bán của loại này cũng chỉ vài trăm nghìn đồng.  

Theo anh Trọng, năm nay theo quan sát thì tình trạng này không còn, giá cành đào với cành mận cũng ngang nhau. Bên cạnh đó, năm nay không bị vướng việc đi lại nên thương lái khắp nơi đổ về đây mua nhiều, người dân bán được đào giá tốt nên cũng không ai mặn mà với kiểu làm ăn này nữa.

Cây đào, cành đào được bày bán khắp nơi trên Quốc lộ 6.

Còn chị Hà Thị Hoa (40 tuổi, quê ở Hòa Bình) chia sẻ, bản thân cũng đã lên miền núi mua đào nhiều năm nhưng lác đác chỉ có vài trường hợp bán đào giả theo kiểu dùng nụ đào gắn vào thân cây mận.

“Người mua chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra được đâu là đào thật, đâu là đào giả vì vết gắn nụ đào có kỹ xảo thế nào cũng để lại dấu vết vì nụ hoa không tươi” - chị Hoa cho hay.  

Ông Giàng A Dê - Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ - nói rằng, việc gắn nụ hoa đào lên cành cây mận cũng đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng không phải trên địa bàn xã và năm nay cũng chưa thấy hiện tượng này. 

Đào được cho lên xe để chuyển về những tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam....

“Nhiều khách mua phải cành đào giả từ nơi khác đến, khi được người dân tại xã Lóng Luông chỉ ra điểm khác biệt, họ đành phải vứt đi. Người dân chỉ cần để ý thì sẽ nhận biết được ngay vì cành đào và cành mận khác nhau hoàn toàn” - ông Dê cho biết thêm.

Theo ông Dê, diện tích cây đào trồng trên địa bàn xã hiện nay khoảng 500ha, trong đó khoảng 300ha cây đào từ 3 năm trở lên có thể thu hoạch để bán. Năm nay đi lại thuận tiện và đào nở đúng dịp Tết nguyên đán nên lượng cây đào, cành đào tiêu thụ tăng gấp đôi so với năm trước nên thu nhập của người dân ổn định, thậm chí có gia đình thu nhập vài trăm triệu.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hợp Cường - Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ - cho biết: "Lượng đào năm nay ít hơn năm trước, tuy nhiên sức mua của người dân có phần cao hơn và rất nhộn nhip. Chỉ có một lượng nhỏ tem dán cây đào được in với mục đích quảng bá thương hiệu đào Vân Hồ đang được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn