MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách nhà hàng, quán ăn chuyển hướng kinh doanh sau "lệnh" đóng cửa

Cường Ngô - Phan Anh LDO | 28/03/2020 17:56

Bị tạm dừng kinh doanh, nhiều quán ăn, nhà hàng… đã đóng cửa hoặc tính chuyển đổi sang hình thức bán cho khách mang đi.

Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và TPHCM yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở dịch vụ không thiết yếu (quán cà phê, cửa hàng quần áo thời trang, phòng tập, hàng quán dịch vụ ăn uống...) đến ngày 5.4, qua khảo sát của phóng viên, ngày 28.3, nhiều cửa hàng đã đóng cửa, ngừng hoạt động.

Các tuyến phố ẩm thực ở Hà Nội như Cấm Chỉ, Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), Nghĩa Tân, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), Dương Khuê (quận Nam Từ Liêm)..., chiều 28.3 trở nên im lìm khi hầu hết nhà hàng đồng loạt đóng cửa.

Vừa cất dọn những chiếc bàn cuối cùng, chị Nguyễn Thị Yến - chủ quán phở Hà Nội ở phố Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết, sau khi cán bộ phường xuống nhắc nhở và làm cam kết không bán hàng từ nay đến ngày 5.4, chị đã cất bớt bàn ghế để, thôi lấy hàng và tạm đóng cửa quán. Quán của chị cũng dán thông báo về việc này tại lối ra vào.

"Một ngày sau khi có chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quán phở của tôi vẫn mở cửa dù quy mô bị thu hẹp, đảm bảo giảm còn 20 khách trở lại. Tuy nhiên, hôm nay, những quán ăn, nhà hàng ở phố Dịch Vọng Hậu đều đồng loạt đóng cửa, để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Chúng tôi đồng tình và hưởng ứng quy định này", chị Yến nói.

Các nhà hàng, quán ăn chuyển sang bán cho khách hàng mang đi. Ảnh: C.N

Bên cạnh việc một số nhà hàng đóng của, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống cho biết đã sẵn sàng chuyển sang mô hình bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi.

Chuỗi cửa hàng cà phê Highland, The Coffee House, cửa hàng gà rán KFC, Otoké Chiken, một số thương hiệu trà sữa... vẫn duy trì việc kinh doanh, tuy nhiên, chỉ phục vụ cho khách mang đi hoặc đặt hàng online, không phục vụ khách sử dụng tại chỗ.

Anh Mai Trường Giang - người sáng lập thương hiệu gà rán Otoké Chiken cho biết, khi phải tạm ngưng kinh doanh, đóng cửa nhà hàng, anh cùng cộng sự của mình tập trung nguồn lực, xây dựng nội dung an toàn, giao hàng nhanh chóng tới khách hàng qua kênh media riêng của công ty như fanpage, zalo và website.

Trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn cho nhân viên đảm bảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ như khẩu trang, bao ray, áo bảo hộ khi giao hàng tránh tiếp xúc, nhiệt kế đo thân nhiệt tại nhà hàng cho nhân viên, shipper, khách mang về.

Duy trì khoảng cách 2m. 

Đồng thời sắp xếp bàn ghế vào kho, dán thông báo cho khách hàng biết nhà hàng không phục vụ ăn tại chỗ, mà chỉ mang về và giao hàng tránh tiếp xúc. Dán decal phân cách chia khu vực cho nhân viên thu ngân và shiper hay khách mang về, tránh xa 2m theo qui định an toàn của Bộ Y tế.

Bao bì thức ăn được đóng gói, niêm phong, khách sẽ an tâm hơn vì quá trình vận chuyển xa và để thêm mã khuyến mãi bán chéo, menu giao hàng để khách có thể mua lại lần sau và cũng là cách thu thập database của khách nếu khách đó là data của kênh app.

Chuỗi thức ăn nhanh KFC mới đây cũng tung ra chương trình ưu đãi cho các đơn hàng giao tận nơi thông qua điện thoại, trang web hay ứng dụng của hãng này, giải quyết nỗi lo lắng, hạn chế người dân đến các cửa hàng hiện hữu.

So với giá tại quầy, các đơn hàng online có mức giá giảm sâu hơn đến vài chục nghìn đồng. Đây cũng là cách để giúp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn